Kinh doanh

Xuất khẩu thích ứng với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Ngọc Quỳnh 04/01/2025 16:33

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam khó tránh khỏi việc đối mặt với những “rào cản” khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường tiềm năng. Một trong những rào cản lớn do các thị trường nhập khẩu đưa ra là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Chủ động thích ứng là giải pháp quan trọng giúp DN duy trì lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu bền vững.

Rào cản không mong đợi

pin-nang-luong-mat-troi.png
Mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị khởi xướng điều tra áp dụng phòng vệ thương mại

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với khoảng 273 vụ điều tra liên quan đến áp dụng các biện pháp PVTM (bao gồm áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 70 vụ việc, nhiều nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng trong năm 2024, Mỹ đã khởi xướng 10 vụ điều tra mới liên quan đến áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hoá và DN Việt Nam.

Một vụ việc gần đây liên quan đến hàng hóa Việt Nam là Mỹ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Đáng chú ý mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chủ yếu bởi các DN FDI thực hiện.

Mỹ không chỉ điều tra áp dụng ba biện pháp PVTM thông thường gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, và tự vệ, mà còn mở rộng điều tra về chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Điều này đã gây không ít khó khăn cho các DN xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tại cuộc tọa đàm: “Phòng vệ thương mại - Góc nhìn từ các vụ việc điều tra đối với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời”, do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Công Toản - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại địa phương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu như năm 2023, giá trị sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đóng góp hơn 7 tỷ USD vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thì trong năm 2024, con số này đã giảm hơn 2 tỷ USD, chỉ còn khoảng 4 - 5 tỷ USD.

Các DN sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do tác động từ các vụ kiện PVTM khi xuất khẩu sản phẩm. Đặc biệt, một số DN ghi nhận mực suy giảm sản lượng trên 50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và kinh doanh.

PVTM xét về bản chất, là một biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước. Biện pháp này được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể, khi ngành sản xuất hàng hóa trong nước của quốc gia nhập khẩu có bằng chứng rõ ràng về thiệt hại hoặc nguy cơ bị đe dọa trước sự cạnh tranh từ làn sóng hàng hóa cùng loại nhập khẩu, quốc gia đó có thể áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trong quá trình đàm phán hội nhập và mở cửa thị trường, hầu hết các quốc gia đều giữ lại cho mình những “van an toàn” nhằm bảo vệ một số ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh khó khăn từ hàng hóa nhập khẩu.

Khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước bị đe dọa, ngành hàng có thể khởi kiện. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, và nếu có bằng chứng thực tiễn, chính xác và minh bạch về việc hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp, quốc gia nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, hoặc tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Khi hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, hoặc tự vệ tại thị trường nhập khẩu, mức thuế có thể rất cao, thậm chí lên đến vài chục phần trăm hoặc hơn. Những ưu đãi thuế quan từ việc mở cửa thị trường gần như bị triệt tiêu, khiến chi phí xuất khẩu tăng vọt, đặt DN vào tình thế khó khăn và thách thức, dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Một ví dụ điển hình là mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đang vướng vào các vụ kiện điều tra PVTM và phải đối mặt với những khó khăn tương tự.

Tìm cách để loại bỏ

toa-dam-pvtm.png
Tọa đàm về phòng vệ thương mại

PVTM là một rào cản trong thương mại quốc tế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Không chỉ các thị trường nhập khẩu áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, mà Việt Nam cũng đã khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

Một ví dụ điển hình là trước nguy cơ đường nhập khẩu bán phá giá và được trợ cấp từ Thái Lan đe dọa sự tồn vong của ngành sản xuất mía đường trong nước. Năm 2021, sau quá trình điều tra với đầy đủ bằng chứng thuyết phục, chính xác và minh bạch, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan, tuân thủ các quy định pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.

Quyết định này đã tạo tác động tích cực, góp phần giúp ngành sản xuất mía đường trong nước hồi phục và tiếp tục phát triển.

Việc các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam vướng phải rào cản PVTM tại các thị trường quốc tế không còn là điều xa lạ. Để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh bị hạn chế bởi các hàng rào bảo hộ, giải pháp tối ưu là chủ động thích ứng, giảm thiểu rủi ro phát sinh và tìm cách loại bỏ rào cản.

Quay lại vụ việc Mỹ khởi xướng điều tra PVTM đối với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam, bà Nguyễn Yến Ngọc - Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại ngoài nước (Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương) nhận định: Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng xanh toàn cầu.

Tuy nhiên, việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro. Các nước phát triển, bao gồm Mỹ, có nhu cầu nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời nhưng thường áp dụng chế tài và các biện pháp bảo hộ thị trường nội địa, đồng thời yêu cầu các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đối với DN, khi nhận thấy hoặc được cảnh báo rằng mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM, cần nhanh chóng rà soát quy trình sản xuất và quản lý, đồng thời chú trọng cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Việc nâng cao hàm lượng chất xám và tỷ lệ nội địa hóa là yếu tố quan trọng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh về giá - nguyên nhân chính khiến sản phẩm dễ bị khởi kiện PVTM.

DN cũng cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu trong sản xuất, tránh nhập khẩu từ những thị trường đang bị áp dụng biện pháp PVTM để giảm nguy cơ bị kiện lẩn tránh thuế phòng vệ. Một giải pháp hiệu quả khác là tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ chính các thị trường xuất khẩu, giúp cân bằng cán cân thương mại và giảm rủi ro bị áp dụng biện pháp PVTM.

Khi bị điều tra PVTM, DN cần chủ động kết nối và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng như với cơ quan chức năng tại thị trường nhập khẩu để xử lý và giải quyết vụ việc. DN nên chủ động tìm hiểu và nghiên cứu kỹ quy trình, các mốc thời gian, đồng thời tập hợp đầy đủ dữ liệu và thông tin liên quan đến quy trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm. Việc cung cấp tài liệu chính xác theo yêu cầu của cơ quan điều tra tại thị trường nhập khẩu là cần thiết để chứng minh rằng hàng hóa không thuộc diện áp dụng các biện pháp PVTM.

Kinh nghiệm từ các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2021 đến nay cho thấy, khi cơ quan nhà nước và DN chủ động phối hợp, hỗ trợ kịp thời để ứng phó với các cáo buộc thiếu chính xác từ phía nguyên đơn, và hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra tại thị trường nhập khẩu, các vụ kiện đã được giải quyết hiệu quả. Kết quả là sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, tiếp tục xuất khẩu thành công vào các thị trường này.

Ngọc Quỳnh