Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nước ta đủ 5 điều kiện làm Trung tâm Tài chính Quốc tế

HẢI LY 04/01/2025 11:48

Trung tâm Tài chính Quốc tế là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư, hội tụ của tri thức, công nghệ và kết nối toàn cầu.

Sáng nay 4-1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế tại Việt Nam.

thu-tuong1-7698-2932pg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình và Bí thư Thành uỷ TP.hcm Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị

Mở ra 5 cơ hội mới

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nước ta hội đủ 5 điều kiện để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Cụ thể, nước ta có quy mô nền kinh tế đứng thứ 33 thế giới; tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ổn định; đang thực hiện 3 đột phá chiến lược và đạt kết quả tích cực; tốc độ phát triển thị trường chứng khoán hàng đầu khu vực, với vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,2 triệu tỷ đồng; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với độ mở gấp 1,7 lần tổng GDP; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mặt khác, thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại. Do đó, những trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam đang có cơ hội tham gia, trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế hàng đầu.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết việc xây dựng Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế tại Việt Nam là một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước. Việc này tạo động lực phát triển không chỉ cho TP.HCM và Đà Nẵng mà còn cho cả nước.

Trung tâm này đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam có 5 cơ hội như: kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao.

trung-tam-tai-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ ngành và các địa phương dự hội nghị

Cần doanh nghiệp đồng lòng

Việt Nam cũng xác định tăng trưởng GRDP các năm tới đây là từ 8% đến hai con số. Như vậy tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần phải tăng từ 45-50% mỗi năm. Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4-5 triệu tỉ đồng cho phát triển chung, nhất là để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên:

Xây dựng niềm tin, tương lai và thịnh vượng

nguyen-van-nen.jpg
Bí thư Thành uỷ TP.HCM phát biểu trong lễ

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là niềm vui lớn, tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực, góp phần quan trọng cho TP.HCM thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương giao trước mắt và lâu dài.

TPHCM không chỉ cam kết xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mà còn xây dựng niềm tin, tương lai và thịnh vượng.

TP.HCM sẽ quy hoạch không gian phát triển trung tâm tài chính một cách đồng bộ, bao gồm cả khu vực trung tâm và các khu vực mở rộng. TP tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, TP cũng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút đầu tư.

Đánh giá về triển vọng thu hút vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết sự phát triển vốn cùng với sự phát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một trong những cấu phần nền tảng và quan trọng. Việt Nam phải nắm bắt kịp thời cơ và nhận diện những thách thức như sự cạnh tranh của các trung tâm tài chính khác. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã dành nguồn lực cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về phát triển tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính. Trong đó xác định rõ chủ thể tham gia trung tâm tài chính, phạm vi giao dịch sản phẩm dịch vụ, xác định các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

Có thể nói, sự thành công của Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không chỉ phụ thuộc vào các chính sách của cơ quan quản lý mà còn là sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Thu hút nhân tài thế giới

nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới gồm: phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech) và quản lý rủi ro tài chính...

Kinh tế phục hồi tích cực

Năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.

Mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%, đưa quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 810 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, vượt trên 19% dự toán.

Thu hút FDI, đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

HẢI LY