Đầu tư, M&A

Đồng Nai mời gọi đầu tư 38 dự án nâng cao chất lượng sống người dân

Lưu Thủy 28/12/2024 - 08:15

Nhu cầu lao động ngày càng cao tại các dự án hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo.

Tỉnh Đồng Nai vừa giới thiệu, mời gọi đầu tư 38 dự án liên quan đến y tế, giáo dục và văn hóa, thể thao để chăm lo phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Nhu cầu lao động có chất xám ngày một cao

Đồng Nai là 1 trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trong nhiều năm qua. Tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Riêng trong năm 2024, tổng sản phẩm của tỉnh đạt hơn 260.229 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ.

dau-tu-dong-nai.jpg
Tại buổi làm việc mới đây với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị nhà trường cần tập trung nắm bắt nhu cầu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ dự án sân bay Long Thành

Tình hình thu hút đầu tư tại Đồng Nai trong năm 2024 đã đạt được kết quả khả quan. Thế nhưng chất lượng thu hút đầu tư chưa cao, và chủ yếu đầu tư vào kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao.

Các lĩnh vực này chưa được các doanh nghiệp triển khai rộng rãi. Công tác chăm lo cho người dân vì thế chưa đạt được kỳ vọng. Phần đông người dân phải đến TP.HCM để sử dụng các dịch vụ.

Hiện toàn tỉnh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Đây là vấn đề đáng lo khi nhu cầu lao động có tay nghề cao, lao động có chất xám ngày một gia tăng trong các ngành công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành sắp tới rất lớn và yêu cầu trình độ cao. Nhiều lao động phổ thông cần phải đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu theo quy định của ngành hàng không.

Thế nhưng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh hiện chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định của Cục hàng không Việt Nam.

Ông Nguyên cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường.

Mọi kết quả phát triển kinh tế, mọi nguồn lực tạo ra trong hoạt động kinh tế đều sử dụng phục vụ cho mục tiêu chăm lo cho người dân, cho mục tiêu phát triển con người.

Trong đó có việc thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhà ở xã hội, và đặc biệt là chất lượng môi trường sống của người dân, ông Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.

Trải thảm đỏ mời nhà đầu tư

Tại hội nghị ghị xúc tiến đầu tư, Đồng Nai giới thiệu, mời gọi đầu tư đối với 38 dự án. Trong đó có 6 dự án thuộc lĩnh vực y tế, 19 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, 13 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Đồng Nai cũng mời gọi đầu tư 2 khu làng đại học tại xã Long Đức, huyện Long Thành, với diện tích 200 ha; tại xã Suối Tre, TP.Long Khánh, với diện tích 300 ha.

dau-tu-dong-nai-2.jpg
Khu đất quy hoạch Làng đại học tại xã Long Đức, huyện Long Thành

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư là có thể triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi.

“Cần công khai các bước, quy trình, thời gian thực hiện đầu tư dự án để nhà đầu tư không phải chạy lòng vòng qua khắp các sở ngành, địa phương”, ông Hùng lưu ý.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành, cũng như phục vụ cho các ngành công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip trong thời gian tới.

Lưu Thủy