Chuyên đề

TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: Đổi mới sáng tạo và công nghệ - Động lực vươn mình (Bài 2)

Hưng Khánh 27/12/2024 06:38

Sau gần 50 năm ngày thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Với quyết tâm đưa khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM thể hiện khát vọng giữ vững vị thế “đầu tàu” phát triển, đặc biệt trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

bai-2.jpg
TP.HCM quyết tâm đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... làm nền tảng cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Ghi dấu thành tựu dẫn đầu

Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM ngày càng lớn mạnh, đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu, xếp hạng 6 ở khu vực Đông Nam Á và được xếp hạng thứ hai về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thu hút 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vô cùng năng động còn thể hiện qua việc Thành phố sở hữu hơn 50% startups, trong đó có 65% là startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 60% quỹ đầu tư mạo hiểm của cả nước.

Năm 2024, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM chính thức ra đời, là nơi hội tụ công việc trọng điểm của Thành phố trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững, y tế và chăm sóc sức khỏe…

Theo ông Phạm Ngọc Huy - Giám đốc Quỹ Đầu tư Lotte Ventures, TP.HCM đang chứng minh sự nhạy bén trong việc đón đầu các xu hướng phát triển mới. Chính điều này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn cả đối tác quốc tế.

TP.HCM đang trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất cả nước, với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu thế giới. TP.HCM là địa phương có tỉ lệ DN công nghệ số trên 1.000 dân cao nhất cả nước với tỷ lệ đạt 3,1.

Các DN, đặc biệt là DN công nghệ, startup, cần chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ và phát triển mô hình kinh doanh bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thành phố hiện chiếm khoảng 30% tổng doanh thu ngành công nghệ thông tin của cả nước, với sự đóng góp quan trọng từ các công ty công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước. Các khu công nghệ cao đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia, tạo động lực phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, năm 2024, TP.HCM đã đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số dùng chung với quy mô toàn Thành phố; đảm bảo an toàn thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế số, nhất là trong các ngành kinh tế trọng tâm, như thương mại điện tử, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, logistics, năng lượng và du lịch.

Đặc biệt, những thành tựu từ sự kết hợp giữa chính quyền, viện nghiên cứu và DN trong việc triển khai các chương trình về hệ thống giao thông thông minh, quản lý đô thị bằng AI và dữ liệu lớn (Big data) đã giúp TP.HCM khẳng định vị trí tiên phong trong nền kinh tế số.

Những thành tựu này không chỉ củng cố vai trò đầu tàu của TP.HCM trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới. Thành phố đang từng bước trở thành một “thung lũng Silicon” của khu vực Đông Nam Á.

Lý giải sự thành công, bà Kimmy Nguyễn - Giám đốc Quỹ Đầu tư ITI, cho rằng, cả hệ thống chính trị Thành phố đã thể hiện quyết tâm thông qua các chính sách hướng tới khuyến khích đổi mới sáng tạo và công nghệ một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Điển hình là tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Quốc hội, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Thành phố với cơ chế, chính sách đặc thù về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ông Anderson Tan - nhà sáng lập kiêm CEO Quỹ tài trợ vốn Anderson Management Capital, Singapore nhấn mạnh: “TP.HCM vẫn giữ vị thế là “điểm đến vàng” đối với các nhà đầu tư công nghệ. Sự hấp dẫn này đến từ môi trường chính trị ổn định và tiềm năng đầu tư lớn. Việc TP.HCM không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện quan trọng để thu hút vốn, hỗ trợ các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và thúc đẩy kinh tế số”.

Tiên phong để tạo động lực vươn mình

Thời gian tới, TP.HCM quyết tâm đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để hiện thực hoá quyết tâm ấy, theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TP.HCM phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh; phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư.

Theo ông Huỳnh Công Thắng - CEO Innolab Asia, chính quyền TP.HCM cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi với chính sách hỗ trợ và khung pháp lý minh bạch, thúc đẩy sáng tạo và phát triển bền vững. TP.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ DN và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TP.HCM và của Việt Nam.

“Các DN, đặc biệt là DN công nghệ, startup, cần chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ và phát triển mô hình kinh doanh bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Cần nắm bắt cơ hội, phát huy tinh thần sáng tạo và dám thử nghiệm, tạo ra những giải pháp đột phá để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố” - ông Thắng nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

tri-thanh.jpg

TP.HCM cần đẩy mạnh vai trò “kiến tạo”chính sách một cách chủ động để tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cụ thể, hiện thực hóa khát vọng phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, trong bối cảnh tinh gọn và cải tổ bộ máy, TP.HCM phải kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: Quản trị tuyến tính, chuyển đổi số và quản trị hiện đại với sự linh hoạt, nhạy bén để đáp ứng các yêu cầu mới.

Ông Anderson Tan - CEO Quỹ Tài trợ vốn Anderson Management Capital (Singapore):

anderson-tan.jpg

Môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng không chỉ thúc đẩy đổi mới mà còn củng cố vị thế hàng đầu của TP.HCM. Thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, cạnh tranh công bằng thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với xu hướng phát triển kinh tế số và ĐMST.

Bài 1: TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: Đổi mới, sáng tạo và đột phá trong kỷ nguyên mới để dẫn đầu

Hưng Khánh