Thời sự

Thống nhất tên gọi sau sáp nhập: Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Yến Linh 20/12/2024 15:05

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất tên gọi mới sau sáp nhập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông báo từ Văn phòng Chính phủ ngày 19/12 đã xác nhận tên gọi chính thức của 2 bộ sau khi sáp nhập, đánh dấu sự thay đổi so với các đề xuất trước đó.

Ngắn gọn, bao quát và phù hợp định hướng

Ban đầu, kế hoạch định hướng công bố ngày 6/12 dự kiến tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường. Sau đó, ngày 10/12, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất của hai bộ đưa ra đề xuất Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, với mục tiêu phản ánh đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của hai cơ quan.

bo-nong-nghiep-va-moi-truong.jpg
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng hà, tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đáp ứng các tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, đồng thời vẫn bảo đảm tính kế thừa và bao quát các chức năng cơ bản.

Giảm mạnh đầu mối, tối ưu hóa hiệu quả

Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến sẽ có tổng cộng 30 đầu mối, giảm đáng kể so với 55 đầu mối hiện tại (giảm 45%). Cụ thể:

  • Khối tham mưu tổng hợp: Giảm từ 16 đầu mối xuống còn 8 đầu mối (giảm 50%).
  • Khối quản lý nhà nước chuyên ngành: Giảm từ 27 xuống còn 17 đầu mối (giảm 37,03%).
  • Khối các đơn vị sự nghiệp: giảm từ 12 xuống còn 5 đầu mối (giảm 58,33%).

Sự tinh giản này nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, giao thoa nhiệm vụ giữa các bộ, như quản lý nông thôn, tài nguyên nước, hay khí tượng thủy văn. Việc hợp nhất cũng đặt ra yêu cầu cao về tổ chức lại bộ máy, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong cơ quan mới.

Một nhệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc: Một cơ quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng một nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Để đạt được điều này, hai bộ cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung giao thoa, như:

  • Thú y và chăn nuôi, thủy lợi và tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai.
  • Xử lý các vấn đề trùng lắp với các bộ khác, như Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải.

Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất của hai bộ sẽ tiếp thu chỉ đạo, hoàn thiện phương án tổ chức bộ máy, xây dựng nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ mới. Dự thảo sẽ được gửi Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đây là một phần quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi và duy trì ổn định bộ máy.

Việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường không chỉ là bước cải tổ mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ mà còn thể hiện quyết tâm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và hiệu lực quản lý nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đảm nhiệm vai trò chiến lược trong phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên quốc gia trong thời gian tới.

Yến Linh