Định hình chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ: Cơ hội, thách thức
Chuỗi giá trị toàn cầu chủ đề thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước cùng 8 nước tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 9/12 tại khách sạn Rex.
Đề dẫn, TS. Huỳnh Thế Du - Đồng giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, cho biết, thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ từ chiến tranh lạnh 1.0 sang 2.0, với những thay đổi sâu sắc trong trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu.
Kinh tế, chính trị thế giới biến động mạnh mẽ...
Xu hướng toàn cầu hóa đang dần nhường chỗ cho quá trình phi toàn cầu hóa, khi các quốc gia ngày càng chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia và tái định hình chuỗi cung ứng. Đồng thời, chiến lược sản xuất đang chuyển đổi từ "offshoring" - chuyển giao sản xuất ra nước ngoài, sang "reshoring" - đưa sản xuất trở về trong nước, nhằm đảm bảo an ninh kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài
Không nằm ngoài xu hướng đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang đứng trước những thay đổi quan trọng, đặc biệt sau khi kết quả bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 11 chính thức xác định nhiệm kỳ Trump 2.0. Chính quyền mới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng chủ trương "Nước Mỹ trên hết," tập trung vào các chính sách kinh tế mang tính bảo hộ cao nhằm củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, một trong những trọng tâm chính là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Chính quyền Trump 2.0 có thể triển khai các gói ưu đãi lớn về thuế, hỗ trợ tài chính và đầu tư công nghệ cho các DN nội địa, nhằm thúc đẩy sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, chính sách hạn chế nhập khẩu sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ thông qua các hàng rào thuế quan và kỹ thuật. Hàng hóa từ các nước, đặc biệt là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, có thể đối mặt với các biện pháp kiểm soát gắt gao nhằm bảo vệ DN Mỹ trước áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thương mại hướng đến bảo hộ sẽ trở thành trọng tâm trong các đàm phán và thỏa thuận quốc tế. Chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ tái định hình các hiệp định thương mại toàn cầu theo hướng ưu tiên lợi ích của Mỹ, bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và giảm thiểu tình trạng thâm hụt thương mại, đặc biệt với các đối tác lớn như Trung Quốc.
Thách thức lớn với doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh đó, theo TS. Du, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đang đứng trước những thách thức đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tổng thể hợp tác thương mại giữa hai quốc gia mà còn đặt ra áp lực lớn lên các DN Việt Nam trong việc duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.
Cụ thể, chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ thương mại song phương trở nên căng thẳng. Sự mất cân đối này đã trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm. Nếu không được giải quyết sớm, tình trạng này có thể dẫn đến những động thái mạnh mẽ từ Mỹ để giảm thiểu thặng dư thương mại.
Chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ thương mại song phương trở nên căng thẳng. Sự mất cân đối này đã trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm. Nếu không được giải quyết sớm, tình trạng này có thể dẫn đến những động thái mạnh mẽ từ Mỹ để giảm thiểu thặng dư thương mại.
TS. Huỳnh Thế Du
Việc đàm phán lại các hiệp định thương mại giữa hai nước là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh Mỹ ưu tiên các chính sách thương mại bảo hộ. Những khuôn khổ như "Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (IPEF) và "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) đang tạo ra các quy định ngày càng khắt khe hơn, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, và đồ gỗ.
Một trong những rủi ro lớn đối với DN Việt Nam là khả năng Mỹ sẽ áp đặt thuế quan cao hơn hoặc các biện pháp bảo hộ khác đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các DN xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với khó khăn lớn, đặc biệt là trong việc điều chỉnh giá thành sản phẩm để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của các sản phẩm Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Không ít cơ hội
Bên cạnh những thách thức, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít cơ hội trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn này tiếp tục leo thang, nhiều DN Mỹ đã tìm kiếm các thị trường thay thế để giảm thiểu tác động của các mức thuế cao và bất ổn. Việt Nam, với lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh và khả năng tiếp cận nhanh chóng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Điều này tạo cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành hàng chủ lực.
Việt Nam cũng đang đứng trước không ít cơ hội trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
TS. Huỳnh Thế Du
Một cơ hội lớn khác cho Việt Nam là việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt khi các DN Mỹ bắt đầu dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, cùng với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội sản xuất tại Việt Nam.
"Nhìn rộng hơn, đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ thu hút thêm đầu tư mà còn nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Mỹ", TS. Du nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt phải làm gì?
Để tận dụng những cơ hội này, DN Việt Nam đứng trước yêu cầu cần phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi trong chính sách và xu hướng thị trường quốc tế. Các DN cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ đáp ứng các yêu cầu về tính năng, mẫu mã mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Điều này không chỉ giúp sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường khó tính như Mỹ, mà còn là yếu tố quyết định giúp DN tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập sâu rộng.
Đặc biệt, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh, trong môi trường thương mại hiện đại, khả năng đàm phán và "make deal" là một kỹ năng không thể thiếu đối với các DN. Việc biết cách thương thảo, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác quốc tế là một yếu tố sống còn.
Trong môi trường thương mại hiện đại, khả năng đàm phán và “make deal” là một kỹ năng không thể thiếu đối với các DN...
TS. Huỳnh Thế Du
Các DN Việt cần phải linh hoạt và chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, đặc biệt khi đối diện với các chính sách bảo hộ và thuế quan cao từ các nước lớn. Việc "make deal" hiệu quả không chỉ giúp DN Việt tiếp cận được các nguồn nguyên liệu, công nghệ và thị trường mới mà còn giúp củng cố vị thế của sản phẩm Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những chia sẻ nằm trong khuôn khổ buổi tọa đàm trực tuyến, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, diễn ra định kỳ vào ngày 9 hàng tháng. Hoạt động kết nối với DN Hoa Kỳ sáng ngày 9/12 đánh dấu phiên đầu tiên trong chuỗi sự kiện này.
Chương trình hướng tới mục tiêu tăng cường thông tin và tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khuyến khích bà con tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt, đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu và phát triển các kênh phân phối hàng hóa tại nước sở tại.
Hơn thế, thông qua chuỗi toạ đàm, ban tổ chức kỳ vọng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua các hệ thống phân phối quốc tế, tạo cầu nối giữa DN sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước và thị trường toàn cầu, giúp họ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng hàng Việt tại nước ngoài.