B2B monthly

Cơ hội kết nối với doanh nhân Việt trên toàn thế giới

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm 09/12/2024 14:43

Phiên kết nối giao thương, các DN lâu năm tại thị trường Mỹ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về chiến lược thâm nhập và phát triển bền vững. Chương trình B2B từ nay sẽ kết nối trực tuyến với doanh nhân Việt trên toàn thế giới.

Sáng ngày 9/12, tại Khách sạn Rex (TP.HCM), Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Hoa Kỳ, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả, đại diện DN trong và ngoài nước.

500 trí thức người Việt ở nước ngoài đang hợp tác với thành phố

Tại chương trình, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết hiện có khoảng 2,8 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó gần 50% có liên hệ thường xuyên với TP.HCM. Cụ thể, khoảng 500 trí thức người Việt ở nước ngoài đang hợp tác liên tục với thành phố trong các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Bà cũng thông tin rằng, kiều hối chuyển về TP.HCM qua kênh chính ngạch chiếm từ 45-53% tổng lượng kiều hối, đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm trong năm 2024.

"Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời trong sự phát triển của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối DN, thu hút đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ. Tôi đề cao sáng kiến tổ chức Chương trình kết nối DN Việt Nam và các quốc gia vì đây là cơ hội để các DN trong nước tiếp cận các nguồn lực quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác, giao thương. Việc này không chỉ giúp tăng trưởng nền kinh tế mà còn tạo ra một mạng lưới kinh doanh toàn cầu mạnh mẽ", bà Mai nhấn mạnh.

5j0a4249.jpg
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai khẳng định rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời trong sự phát triển của đất nước

Nhà báo Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, cho biết chương trình hướng tới mục tiêu tăng cường thông tin và tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khuyến khích bà con tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt, đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu và phát triển các kênh phân phối hàng hóa tại nước sở tại.

"Thông qua chuỗi toạ đàm, ban tổ chức kỳ vọng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua các hệ thống phân phối quốc tế, tạo cầu nối giữa DN sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước và thị trường toàn cầu, giúp họ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng hàng Việt tại nước ngoài", ông Trần Hoàng nhấn mạnh.

5j0a4220.jpg
Nhà báo Trần Hoàng, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, phát biểu khai mạc Chương trình

Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết, mặc dù đây là chương trình đầu tiên được triển khai theo mô hình này, nhưng đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả và đại diện DN từ 8 quốc gia ngoài Việt Nam và Mỹ. Riêng tại Việt Nam, đại diện của trên 40 DN cũng đã theo dõi sự kiện. Điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng DN đối với thị trường Mỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế chính trị của Mỹ đã và đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

5j0a4267.jpg
Ông Peter Hồng phát biểu tại Chương trình

Tiếp nối, TS. Huỳnh Thế Du - Đồng giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, đã chia sẻ bức tranh tổng quan về tình hình chính trị, kinh tế thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Trong đó, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh rằng, nước Mỹ, dưới chính quyền Trump 2.0, tiếp tục ưu tiên chính sách bảo hộ kinh tế và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này mang đến thách thức lớn cho DN Việt Nam trong việc duy trì thị phần tại Mỹ, đặc biệt là khi chênh lệch thương mại giữa hai nước vẫn là vấn đề vô cùng "nhạy cảm".

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức cũng là những cơ hội chưa từng có cho DN Việt Nam. Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn này tiếp tục leo thang, nhiều DN Mỹ đã tìm kiếm các thị trường thay thế để giảm thiểu tác động của các mức thuế cao và bất ổn. Việt Nam, với lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh và khả năng tiếp cận nhanh chóng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Điều này tạo cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành hàng chủ lực.

Giao thương doanh nghiệp trong nước với DN Việt Nam trên toàn thế giới

Điểm nổi bật của Chương trình là phiên kết nối giao thương, nơi các DN lâu năm tại thị trường Mỹ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về chiến lược thâm nhập và phát triển bền vững tại đây.

Từ kinh nghiệm cá nhân, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM, chia sẻ rằng Hoa Kỳ, với 50 tiểu bang và sự đa dạng về quy định, văn hóa, cũng như thị hiếu tiêu dùng, là một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhất đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công tại đây, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ thủ tục pháp lý đến chiến lược tiếp cận thị trường.

5j0a4333(1).jpg
Các DN lâu năm tại thị trường Mỹ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về chiến lược thâm nhập và phát triển bền vững tại đây

Trước hết, DN phải nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu. Hoa Kỳ không chỉ là một thị trường lớn mà còn là một hệ thống các tiểu bang với quy định và yêu cầu khác nhau. Việc xác định rõ đối tượng khách hàng và địa điểm phân phối sản phẩm là yếu tố tiên quyết. Đừng dàn trải sản phẩm trên toàn quốc mà nên tập trung vào những bang có tiềm năng cao phù hợp với sản phẩm của mình.

Đồng tình với quan điểm này, bà Jolie Nguyễn - CEO LNS US cho rằng, thủ tục pháp lý tại Mỹ là một thách thức mà các DN Việt Nam không thể xem nhẹ. Một số sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và hàng tiêu dùng, cần có chứng nhận của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) hoặc FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Tuy nhiên, việc đạt được các chứng nhận này không chỉ đơn giản là đăng ký mà còn đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu.

"Chẳng hạn, gelatin, sữa, hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật phải được kiểm định bởi USDA hoặc các cơ quan uy tín từ các quốc gia có tiêu chuẩn cao", bà Jolie Nguyễn nói.

5j0a4338.jpg
Bà Jolie Nguyễn - CEO LNS US cho rằng, thủ tục pháp lý tại Mỹ là một thách thức mà các DN Việt Nam không thể xem nhẹ

Bên cạnh đó, các DN cần đặc biệt lưu ý đến các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan, cũng như những quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam từng bị từ chối nhập khẩu vì không đáp ứng được tiêu chuẩn này. Do đó, việc đầu tư vào phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 17025 hoặc sử dụng dịch vụ của các phòng thí nghiệm được công nhận tại Hoa Kỳ là rất cần thiết.

Ngoài vấn đề pháp lý, DN cần xây dựng chiến lược phân phối bài bản. Thị trường Hoa Kỳ yêu cầu sự rõ ràng trong việc lựa chọn kênh bán hàng: Bán lẻ trực tiếp qua các siêu thị lớn như Costco, Walmart, hay qua các công ty trung gian. Mỗi kênh đều có yêu cầu kiểm định chất lượng riêng, đòi hỏi DN phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thậm chí, việc hợp tác với các đối tác địa phương để thấu hiểu quy định, chính sách và tập quán kinh doanh tại Hoa Kỳ là một yếu tố không thể thiếu.

Ông Lê Hoàng Thế - Uỷ viên Ban thường vụ Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ thêm một bài học kinh nghiệm cho DN Việt Nam khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ là cần đầu tư vào các chứng nhận quốc tế uy tín như GSGE (Global Standard for Food Safety) hoặc NOP (National Organic Program) để tạo lợi thế cạnh tranh. Đây không chỉ là những điều kiện cần để thâm nhập thị trường mà còn là cách để khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Ngoài ra, ông Thế cho rằng, các DN cần cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí vận hành và rủi ro tài chính. Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần là đưa sản phẩm qua biên giới, mà còn phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó với trường hợp bị trả hàng do không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, với những sản phẩm có chi phí vận chuyển cao như thực phẩm đông lạnh hoặc các mặt hàng dễ hư hỏng, rủi ro này là rất lớn.

5j0a4345.jpg
Các chuyên gia cho rằng, DN cũng cần xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng người Việt tại Mỹ

Các DN cũng cần xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng người Việt tại Mỹ, tìm kiếm những người có thể hỗ trợ tích cực trong việc giới thiệu sản phẩm, mở rộng mạng lưới khách hàng, cũng như tư vấn về các chính sách và yêu cầu địa phương. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Texas, Hoa Kỳ) khuyến nghị các DN Việt Nam nên tiếp cận các hiệp hội, chuyên gia, các đối tác có giấy phép, được công nhận bởi chính quyền để được hỗ trợ chính thức, tránh mất thời gian, chi phí.

5j0a4320.jpg
TS. Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ từ Mỹ

Đặc biệt, tại Chương trình, các diễn giả và khách mời đều đồng tình rằng, để thực sự thành công tại thị trường Hoa Kỳ, DN Việt cần có một kế hoạch phát triển dài hạn, trong đó chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, đầu tư vào nghiên cứu thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, không quên tận dụng hết những lợi thế của "social media" để phát triển thương hiệu trong thời đại số.

Song song với phiên toạ đàm trực tuyến, từ 9 giờ - 17 giờ ngày 9/12 cũng đang diễn ra phiên kết nối giao thương trực tiếp. Chương trình 9th Monthly B2B lần thứ 21 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh, Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh, Câu lạc bộ Bất Động Sản TP.HCM, Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 90 DN và hơn 300 doanh nhân tham gia kết nối giao thương.

5j0a4580.jpg
Chương trình 9th Monthly B2B lần thứ 21 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp vớ các hiệp hội, hội, CLB tổ chức.

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm