Trong nước

2024: Ngành giao thông TP.HCM sẵn sàng bứt phá vào kỷ nguyên mới

Đoàn Luân Thành 05/12/2024 16:32

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), để chào đón tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu tiên của thành phố đi vào hoạt động, MAUR dự kiến sẽ miễn phí vé đi tàu trong 30 ngày đầu tiên.

Hiện nay, tuyến Metro đầu tiên của TP.HCM đã hoàn thành 100% khối lượng thi công và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại chính thức vào cuối tháng 12/2024.

Để chuẩn bị cho công tác vận hành thương mại tuyến Metro số 1, UBND TP.HCM đã ban hành giá vé lượt, vé tháng cho các đối tượng hành khách cụ thể. Trong đó, ngân sách Thành phố sẽ chi khoảng 15,7 tỷ đồng cho hoạt động vận hành miễn phí và 17,3 tỷ đồng hỗ trợ 17 tuyến xe buýt kết nối vào Metro số 1.

Trong tháng 10 và 11, MAUR đã chính thức vận hành chạy thử Metro số 1, sau thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên. Quá trình vận hành tương ứng với gần 50 kịch bản liên quan đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn tuyến Metro số 1 (gồm cả phía trên và trong đường hầm). Toàn bộ nhân viên tham gia vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động, bao gồm nhân viên lái tàu, lực lượng điều độ ở trung tâm điều khiển, nhân viên nhà ga...

Trong khi đó, các đoàn tàu đưa vào vận hành thử đều chạy giống như vận hành thương mại, với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến. Trước đó, MAUR cũng đã ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc dùng các thiết bị đào tạo và vận hành thử.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM được khởi công từ năm 2012, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Sau khoảng 12 năm triển khai, tuyến Metro số 1 đã hoàn tất xây dựng 11 ga trên cao, 3 ga ngầm, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 39.000 lượt khách mỗi ngày trong giai đoạn 2025 - 2027. Lãnh đạo TP.HCM và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này. Khi đưa vào khai thá, tuyến đường này sẽ giảm tải áp lực giao thông cho khu vực TP .Thủ Đức nói riêng và hạ tầng kết nối phía Đông thành phố, với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

cau-rach-dia-1732759491103175897.jpg
Nhiều công trình đã và đang được triển khai, hoàn thành nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông khu Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp TP.HCM vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2024 là cột mốc quan trọng cho ngành giao thông TP.HCM với những bước tiến đáng kể trong việc tháo gỡ các rào cản về mặt bằng và vốn, tạo điều kiện để khởi công và hoàn thành hàng loạt công trình trọng điểm. Nhiều dự án nổi bật đã đi vào hoạt động, như Cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức), Rạch Đỉa, Phước Long (huyện Nhà Bè), Bà Hom (quận Bình Tân), Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ).

Ngoài ra, các dự án mở rộng đường như Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, và Đồng Văn Cống cũng đã được đưa vào khai thác, góp phần tạo sự đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông của thành phố. Những nỗ lực này không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và kết nối toàn diện trong khu vực.

Bên cạnh những dự án trong nội thành, mạng lưới giao thông liên vùng kết nối TP.HCM cũng đang được đẩy mạnh triển khai, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Đường vành đai 3, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2025 và đầu năm 2026, là một trong những tuyến giao thông trọng điểm. Khi đi vào hoạt động, tuyến này sẽ kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành (sẽ khai thác một số đoạn tuyến từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025), tạo thành một vòng tròn giao thông hoàn chỉnh.

Hệ thống này sẽ kết nối chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế liên vùng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực Đông Nam bộ.

Với dự án “treo” là một trong những “điểm nghẽn” mà chính quyền TPHCM đã sâu sát và tìm giải pháp khắc phục. Hiện nay, UBND TP.HCM phân loại các nhóm dự án “treo” và phân công cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, tránh lãng phí, thất thoát.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết 10 dự án lớn. Thành phố ưu tiên giải quyết hàng đầu cho các nhóm dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2, giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Ngoài ra, các Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng được giao theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiều dự án “treo” đã kéo dài từ 20 - 30 năm qua chưa hoàn thành.

Riêng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải theo dõi, chỉ đạo thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, các vụ án, bản án. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các kết luận liên quan đến nhiều khu đất “vàng” tại trung tâm Quận 1 và Dự án đô thị Sing - Việt tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Với nhóm các dự án công, vốn trở thành “điểm nghẽn” trong đầu tư xây dựng hạ tầng của đô thị “đầu tàu” kinh tế cả nước cũng được yêu cầu đôn đốc, quyết liệt tìm hướng giải pháp trước thời điểm thành phố kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam. Trong đó, đôn đốc việc đầu tư, nâng cấp đối với 10/12 rạp hát không đủ điều kiện tổ chức biểu diễn, gây lãng phí cơ sở vật chất suốt nhiều năm qua.

Với dự án cầu Rạch Đỉa kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Nam TP.HCM vừa được thông xe, tình trạng kẹt xe đã hoàn toàn được giải quyết vào giờ cao điểm. Trả lời báo giới, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án đặc biệt quan trọng này được đưa vào vận hành ngay thời điểm năm hết, Tết đến, đã góp phần giảm ùn tắc giao thông và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng kinh tế phía Nam của TPHCM.

Cũng theo đại diện Ban Giao thông TP.HCM, sau cầu Rạch Đỉa, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường cầu Rạch Tôm và đang chờ UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch để làm cầu Rạch Rơi. Các công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với tỉnh Long An qua huyện Nhà Bè và quận 7. Các công trình được đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực cho toàn bộ khu vực phía Nam phát triển kinh tế, xã hội và thuận lợi để liên kết vùng.

Theo giới chuyên gia, các dự án đường vành đai, cao tốc kết nối TP.HCM với các vùng đã được thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây. Khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ khung giao thông liên vùng, góp phần rút ngắn thời gian đi lại, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

avatar1732778630392-173277863209.jpg
Sáng 28/11, cầu Rạch Đỉa nối đôi bờ quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) chính thức thông xe

Tại Tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” vừa tổ chức tại TP.HCM vừa qua, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM chỉ ra 3 “điểm nghẽn” lớn nhất khiến TP.HCM chậm đà phát triển, bao gồm các bất cập về hạ tầng giao thông, tình trạng kẹt xe, ngập và bất cập trong xử lý rác thải và yếu kém trong giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là người thu nhập thấp.

Theo ông Trực, một đô thị đặc biệt, với hơn 13 triệu dân thì không thể có mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, với hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, hạn chế xe cá nhân... Nếu còn nghẽn ở đây thì TP.HCM còn vướng víu và chậm chạp trong những năm tiếp theo. Muốn giải quyết, TP.HCM phải thể hiện được quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đoàn Luân Thành