Bất động sản

Đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Kim Điền 02/12/2024 07:11

(dnsg) - Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hướng tới mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp vào năm 2030.

Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành để triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Nguồn vốn cho gói tín dụng này sẽ được huy động từ phát hành trái phiếu chính phủ, với Bộ Tài chính chịu trách nhiệm rà soát và triển khai.

Năm 2025 sẽ giải ngân 16.500 tỷ đồng

Theo dự thảo nghị quyết, gói tín dụng sẽ được phân bổ trong 5 năm, từ 2025 đến 2030. Cụ thể, mỗi năm từ 2025 đến 2029 sẽ giải ngân khoảng 16.500 tỷ đồng, riêng năm 2030 là 17.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội được giao xây dựng đề án phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo báo cáo kết quả phân bổ nguồn vốn hàng quý.

Bộ Xây dựng cho biết, để đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, tổng nguồn lực cần huy động lên tới 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn vốn hiện có như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại chỉ đáp ứng được 24% nhu cầu. Vì vậy, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dự kiến sẽ đóng góp thêm 20% tổng nguồn vốn cần thiết, giảm áp lực vốn cho thị trường.

nha-o-xa-hoi.jpg
Nhà ở xã hội Tanimex Tân Bình. Ảnh minh hoạ

Để triển khai hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, các địa phương được yêu cầu cải thiện thủ tục hành chính như giao đất, phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Người mua nhà được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng

Người dân được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Nghị định 100/2024. Cụ thể, người mua hoặc thuê nhà ở xã hội có thể vay tối đa 80% giá trị hợp đồng, trong khi người xây mới hoặc sửa chữa nhà được vay tối đa 70%, không vượt quá 1 tỷ đồng.

Lãi suất vay được điều chỉnh tương đương mức lãi suất dành cho hộ nghèo, do Thủ tướng quy định từng thời kỳ. Hiện tại, mức tham khảo là 6,6% một năm, với thời hạn vay tối đa 25 năm.

Tuy nhiên, bài học từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho thấy, các vấn đề như lãi suất chưa đủ hấp dẫn, thời gian hưởng ưu đãi ngắn và thủ tục phức tạp đã khiến tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt gần 1%. Tính đến cuối quý III/2023, tổng số vốn giải ngân mới đạt 1.344 tỷ đồng, trong đó chỉ 150 tỷ đồng thuộc về người mua nhà.

Để khắc phục, Bộ Xây dựng đã đề xuất giảm lãi suất vay, kéo dài thời gian ưu đãi và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát các rào cản pháp lý. Đồng thời, việc triển khai dự án nhà ở xã hội sẽ được gắn với các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhằm gia tăng nguồn cung.

Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng không chỉ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người lao động.

Với các biện pháp đồng bộ từ việc huy động vốn, cải thiện chính sách và đơn giản hóa thủ tục, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ sớm đạt được, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp trên cả nước.

Kim Điền