Để doanh nghiệp “chạm” đến các gói kích cầu đầu tư
TP.HCM đang tập trung thúc đẩy các gói kích cầu đầu tư. Tuy vậy, từ góc nhìn của các chuyên gia và doanh nghiệp, Thành phố cần có những giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, TP.HCM đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư
Mới đây nhất là Quyết định của UBND TP.HCM về chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án này bao gồm 4 ngành công nghiệp trọng yếu cùng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics. DN nhóm này có thể vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án, với mức hỗ trợ lãi suất lên đến 100% trong thời hạn không quá bảy năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa có động thái ban hành Công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, cơ quan này cũng đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình, nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vẫn tiếp tục triển khai song song 5 chương trình hỗ trợ DN, nổi bật là Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại TP.HCM. Thông qua chương trình này, các ngân hàng thương mại tự nguyện giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn vay mới với lãi suất phù hợp nhằm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, tăng cường sản xuất kinh doanh dịp cuối năm.
Chương trình cho vay bình ổn thị trường được thực hiện cho các DN sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, với lãi suất ưu đãi thấp hơn mức thông thường.
Cùng với đó là cơ chế về thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được áp dụng cho DN là khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Đặc biệt, gói tín dụng 15 ngàn tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản mang lại cơ hội cho các DN có dự án sản xuất, kinh doanh trong hai ngành này. Lãi suất cho vay thấp hơn mức trung bình từ 1-2%/năm.
Kỳ vọng tạo tác động lớn
Trong số các chương trình hỗ trợ lãi suất và vốn từ TP.HCM, Chương trình cho vay kích cầu đầu tư là một hoạt động nổi bật, được triển khai gần 20 năm trước và nhận được đánh giá cao từ DN về hiệu quả. Từ những năm 2003-2004, TP.HCM đã thực hiện thành công các gói vay với hạn mức tối đa 100 tỷ đồng/dự án và thời gian bù lãi vay không quá 7 năm. Tuy nhiên, chương trình đã tạm dừng trong giai đoạn 2021-2022 và hiện nay đang được khởi động lại.
Đây là động thái tích cực để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các lĩnh vực chủ chốt tại TP.HCM. Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cho biết chương trình lần này có nhiều điểm đổi mới, đặc biệt là quy trình cho vay được thiết kế với biểu mẫu rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tùy từng trường hợp, có thể không cần vốn đối ứng khi vay, được phép vay cùng lúc cho nhiều dự án khác nhau, linh hoạt kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án và sử dụng tài sản hình thành sau vay làm tài sản thế chấp tín dụng.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhận định rằng Thành phố hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm thời trang của khu vực nhờ những lợi thế vượt trội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, từng DN cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những rào cản lớn là mức lãi suất vay vốn ngân hàng tại Việt Nam, hiện cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hay Bangladesh, nơi DN sản xuất được hưởng lãi suất vay thấp, thậm chí có thời điểm chỉ bằng một nửa Việt Nam.
Theo ông Việt, chính sách hỗ trợ lãi suất với mức hỗ trợ lên đến 100% trong thời hạn tối đa 7 năm, áp dụng cho các dự án vay đến 200 tỷ đồng, đã mang lại hy vọng lớn cho các DN dệt may. Đây được xem là cú hích quan trọng, giúp DN tự tin hơn trong việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất. Việc tận dụng hiệu quả chính sách này sẽ giúp DN gia tăng sức cạnh tranh, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm với lượng đơn hàng lớn và những tín hiệu tích cực về thị trường trong năm mới.
Chương trình cho vay kích cầu đầu tư được xem là cú hích quan trọng, giúp DN tự tin hơn trong việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất...
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM
Theo ông Nguyễn Quang Thanh: “Nếu DN có dự án được phê duyệt vay 200 tỷ đồng, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 7 năm thì tổng ngân sách hỗ trợ trong 7 năm là gần 100 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn giúp DN yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất, nâng cấp công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với thị trường”.
Đừng để “được vạ thì má đã sưng”
Tuy nhiên, cũng có không ít các DN tham gia chương trình này từ nhiều năm trước, đến nay vẫn “khóc ròng” vì chưa được áp dụng mức lãi suất hỗ trợ. Mới đây, ngày 18/11/2024, Hội DN Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của Thành phố, thỉnh cầu giải quyết các khó khăn mà các DN trong ngành đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư.
Được biết, đây không phải lần đầu HAMEE gửi đơn "kêu cứu". Theo đại diện HAMEE, từ năm 2020, các DN trong ngành đã tích cực tham gia chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM, với kỳ vọng được hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, các DN vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ lãi suất đã cam kết. Trong khi đó, họ phải vay vốn từ ngân hàng với lãi suất ngày càng cao, gây áp lực lớn lên tài chính và hoạt động sản xuất. Một số DN đã kiệt quệ và không thể duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm. Nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phá sản hoặc bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài.
Ngoài những gói vay trăm tỷ, thời gian qua, không ít DN “than khóc” vì tiếp cận các gói vay vốn nhỏ hơn cũng… quá khó!
Từ phía góc nhìn của DN, để các gói hỗ trợ phát huy hết hiệu quả, thủ tục vay vốn cần được đơn giản hóa hơn nữa. Ông Nguyễn Doãn San - Phó Tổng Giám đốc San Hà Foods, cho rằng nhiều DN dù rất muốn tiếp cận các gói hỗ trợ nhưng thường gặp khó khăn vì thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ, chưa kể gây phát sinh các chi phí khác cho DN. Việc xây dựng quy trình tinh gọn, minh bạch, cùng với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, không chỉ giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mà còn tạo niềm tin vào sự đồng hành của Thành phố.
Nhiều DN dù rất muốn tiếp cận các gói hỗ trợ nhưng thường gặp khó khăn vì thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ, chưa kể gây phát sinh các chi phí khác cho DN...
Ông Nguyễn Doãn San - Phó Tổng Giám đốc San Hà Foods
Theo TS. Nguyễn Hữu Thi, chuyên gia tư vấn chiến lược DN, để các chính sách hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao, cần tăng cường sự tương tác chủ động giữa chính quyền – đặc biệt là các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ – với cộng đồng DN. Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn quy trình thực hiện hay bổ sung hồ sơ, các cơ quan này cần tập trung hỗ trợ sâu hơn, bao gồm việc cập nhật thường xuyên về tiến độ xử lý hồ sơ và giải đáp kịp thời những vướng mắc của DN. Điều này không chỉ giúp DN an tâm mà còn xây dựng niềm tin mạnh mẽ vào sự đồng hành của chính quyền. Tránh để tình trạng DN phải lên tiếng “kêu cứu”...
Cần thiết lập hệ thống tiếp nhận và xử lý phản hồi từ DN để cải thiện chính sách và khắc phục kịp thời các vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách. Cần giúp DN an tâm, xây dựng niềm tin mạnh mẽ vào sự đồng hành của chính quyền Thành phố. Tránh để tình trạng DN phải lên tiếng “kêu cứu”...
Chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp - TS. Nguyễn Hoàng Thi
Thành phố cần song song xử lý những vướng mắc cũ, trong khi tăng cường truyền thông các chính sách hỗ trợ mới để những DN chưa biết đến có cơ hội tiếp cận trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, TS. Thi còn đề xuất rằng các DN nhỏ và siêu nhỏ, DN mới thành lập hoặc đang gặp khó khăn tài chính nhưng có dự án khả thi, đáp ứng tiêu chí rõ ràng cũng cần được hỗ trợ. Thành phố nên xem đây như một chính sách dành riêng cho các DN yếu thế nhưng tiềm năng, giúp họ vực dậy hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thành phố.