Kinh doanh

Thị trường tài chính xanh: Nhiều cơ hội, không ít thách thức

Hưng Khánh 27/11/2024 06:00

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Nhiều cơ hội

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022 - 2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm, gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm. Trong đó, 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công.

Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

220231223072044.jpg
Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho nguồn vốn xanh quốc tế

Với tính cấp thiết đó, Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho nguồn vốn xanh quốc tế.

Tại buổi Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” tổ chức sáng ngày 26/11, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam, dẫn chứng báo cáo của IFC, theo đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, Việt Nam có thể thu hút khoảng 753 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào trái phiếu khí hậu. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ thu hút đến 59 tỷ USD, với các dự án năng lượng mặt trời và thủy điện nhỏ chiếm phần lớn. Khoảng 80 tỷ USD sẽ được đầu tư vào các công trình xanh, mở ra cơ hội lớn cho các DN trong nước cũng như các nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiết kiệm và nguồn vốn đầu tư vào vàng trong thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của trái phiếu DN trong giai đoạn 2021-2022 cũng là minh chứng cho việc Việt Nam còn có nguồn vốn trong nước rất lớn.

Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và DN cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam

"Ngoài ra, sự tham gia của Việt Nam vào Quan hệ đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) càng làm rõ cam kết của quốc gia trong việc chuyển đổi năng lượng xanh. Theo thoả thuận, các đối tác quốc tế sẽ huy động nguồn lực lên tới 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh mà còn tạo cơ hội để xây dựng các chính sách và thể chế mới, giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", TS. Bình nhấn mạnh.

Đặc biệt, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ triển khai khoảng 220 dự án và 60 nhóm công tác hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Không ít thách thức

Tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình cũng nhận định rằng, bên cạnh những cơ hội kể trên, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức.

anh-man-hinh-2024-11-26-luc-14.08.49.png
TS. Lê Duy Bình (phải) chia sẻ tại buổi Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” tổ chức sáng ngày 26/11

Trong đó, tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam còn khá thấp. Nguyên nhân là do hạn chế về tài chính xanh, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này. Đồng thời, thiếu sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh, dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và không hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

“Động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường”, TS. Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

3b-tai-chinh-carbon-rat-gan-1.jpg

TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường: "Bộ đang khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế"

Viện đang tích cực xây dựng các tiêu chí kỹ thuật để phân loại các ngành nghề và lĩnh vực "xanh", làm cơ sở cho các hoạt động tài chính. Danh mục này được chia thành hai nhóm chính: các tiêu chí kỹ thuật xanh, tiêu chí quản lý và sử dụng dòng vốn xanh. Sau khi hoàn thiện, các tiêu chí này sẽ tiếp tục được trình lên lãnh đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan để lấy ý kiến hoàn thiện thêm, trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến 30/9/2024, mới có khoảng 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và mới tập trung chủ yếu vào một số ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Quy mô phát hành trái phiếu bền vững của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 dao động từ 75 - 250 triệu USD, khá khiêm tốn so với mức tổng giá trị phát hành 250 tỷ USD của các quốc gia khu vực ASEAN+3.

Hưng Khánh