Thời sự

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ: Việt Nam trước lợi thế cạnh tranh và rủi ro bảo hộ

Hoàng Mạnh Hà 08/11/2024 15:59

Với chính sách đối ngoại mang tính bảo hộ và việc tái lập ưu tiên “Nước Mỹ trên hết” (America First) của Donald Trump, nhiều chuyên gia dự báo sẽ mang lại những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

45645656.jpg

Việc Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ gây ra những đợt sóng lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam sẽ không phải là ngoại lệ. Phản ứng đầu tiên ngay trong ngày 6/11, khi ông Trump chiến thắng là sàn chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trở lại. Sắc xanh tràn ngập tại các nhóm cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, hóa chất, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Một trong những điểm được chú ý nhiều nhất là chính sách thuế và thương mại của ông Trump. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ. Theo báo cáo của Standard Charteredvà các tổ chức khác, nếu ông Trump tiếp tục áp thuế 60% với hàng hoá Trung Quốc thì Việt Nam có thể một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu.

Chính sách này phần nào có lợi cho Việt Nam khi dòng đầu tư và sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Bởi mức độ tiêu dùng mạnh mẽ từ thị trường Mỹ sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Các số liệu cho thấy tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi tốt trong năm nay, dù FED tăng lãi suất. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 24% so với mức 21% cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, chiến lược bảo hộ mới từ phía Mỹ có thể làm suy giảm các dòng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát sao những thay đổi về thuế suất, bởi lẽ nó sẽ quyết định mức độ cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ.

Một lĩnh vực khác có thể bị tác động là việc thay đổi hiệp định thương mại. Việt Nam hiện hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong khi ông Trump đã từng rút Mỹ khỏi hiệp định này. Nếu chính quyền mới của ông Trump tái lập các cuộc đàm phán thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ mà không xem trọng lợi ích của các quốc gia khác, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ phải điều chỉnh lại chiến lược xuất khẩu.

Ông Trump đã từng thể hiện rõ quan điểm về việc ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ trong mọi hiệp định thương mại. Điều này có thể đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tiếp cận thị trường Mỹ hơn, đặc biệt nếu chính quyền Trump áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hoặc thuế suất cao.

Ngành sản xuất và công nghệ cũng là một trong những lĩnh vực đáng lo ngại. Được biết đến với việc ưu tiên “sản xuất tại Mỹ” (reshoring), ông Trump có thể thúc đẩy các tập đoàn Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài trở lại sản xuất trong nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng tại Việt Nam - nơi các tập đoàn đa quốc gia như Intel đã đầu tư lớn vào sản xuất và công nghệ.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, việc Trump tái đắc cử có thể mang lại lợi ích cho các ngành dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng khác. Nếu căng thẳng thương mại Trung - Mỹ tiếp tục, các doanh nghiệp Mỹ có thể tìm đến Việt Nam như một nguồn cung ứng thay thế. Điều này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và tăng cường sức mạnh của một số lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, dù có thể có một số lợi ích, các chuyên gia đều đồng tình rằng chính quyền mới tại Mỹ có thể khiến Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn lớn hơn, đặc biệt là trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và ổn định chuỗi cung ứng hàng hoá. Chính vì vậy, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có biện pháp đối phó phù hợp để thích nghi với tình hình kinh tế mới dưới thời kỳ lãnh đạo của Donald Trump.

Hoàng Mạnh Hà