Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công: Nỗ lực đẩy mạnh trong những tháng cuối năm

Bạch Khởi 08/11/2024 12:16

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 115/CĐ-TTg ngày 7/11/2024 về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.

Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2024 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh tiến độ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; nhiều bộ, cơ quan và địa phương đạt kết quả giải ngân cao.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước tính đến hết tháng 10/2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (56,74%) và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Nhằm đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong qúa trình triển khai.

Ngoài ra, các đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để bồi thường và hoàn tất giải phóng mặt bằng cho các diện tích có đủ điều kiện; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng để thi công.

Các bộ, ngành và địa phương cũng cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân, thực hiện điều chỉnh này trong nội bộ theo quy định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, và kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân, và đơn vị đạt kết quả tốt trong giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, hoặc thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

picture1-1-.jpg
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát sao tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hằng tháng nhằm đảm bảo các giải pháp điều hành triển khai linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần hướng dẫn và xử lý các vướng mắc mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gặp phải khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Quy hoạch.

Bộ Tài chínhđược giao nhiệm vụ chỉ đạo Kho bạc nhà nước và các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án và thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành ngay khi hồ sơ đầy đủ theo quy định; đồng thời đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cấp phép và khai thác nguyên vật liệu cho các dự án đầu tư công, đảm bảo quy trình diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và đúng quy định. Bộ cũng cần hướng dẫn xử lý các khó khăn liên quan đến quy định mới của Luật Đất đai và các nghị định liên quan, đặc biệt là các dự án phải tính toán chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật mới.

Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ theo dõi sát tình hình thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, và xử lý kịp thời các biến động theo quy định; hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng theo diễn biến thị trường, bảo đảm sự chính xác và hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ quan chủ quản của các chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc) rà soát các khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, và địa phương gặp phải trong phân bổ và giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để xử lý kịp thời theo quy định.

Bạch Khởi