Đại học khởi nghiệp: Xu thế của thế giới, bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày 31/10, Trường Đại học Công Thương TP.HCM (HUIT) đã phối hợp với Công ty CP Đại học Khởi nghiệp, tổ chức Hội thảo "Đại học khởi nghiệp - Xu thế của thế giới" thu hút sự tham gia của chuyên gia, lãnh đạo Trường, giảng viên và gần 400 sinh viên...
Hội thảo với mục tiêu tạo ra môi trường thúc đẩy và nâng cao nhận thức về xu hướng Đại học khởi nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các trường đại học trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang dần trở nên quan trọng và là yếu tố then chốt trong khuôn khổ giáo dục đại học, cao đẳng ở Việt Nam.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Green+, Chủ tịch Công ty CP Đại học Khởi nghiệp đã có những chia sẻ liên quan đến mô hình "Đại học khởi nghiệp", giải pháp đột phá phát triển bền vững doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Thành dẫn chứng, thực tế cho thấy, quốc gia nào có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì nền kinh tế phát triển, số thu ngân sách tăng nhanh và rất lớn. Ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước, tạo ra hàng ngàn việc làm, thúc đẩy công nghệ và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để phát triển bền vững, tạo ra được nhiều nhất các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạọ mạnh cả về chất và lượng, thì trường đại học sẽ giữ vai trò then chốt.
Thực tế chứng minh, ở những nước tiên tiến trên thế giới có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Israel, Hàn Quốc... có đến 85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học.
Hiện các trường đại học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn đang định hướng theo mô hình đại học truyền thống với hai vai trò chính là đào tạo và nghiên cứu. Để có sự thay đổi đáp ứng mục tiêu trên, chúng ta cần một mô hình giáo dục mới, mang tính đột phá. Đó là Đại học Khởi nghiệp - nơi không chỉ dừng lại ở đào tạo, nghiên cứu mà còn là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nói cách khác, các trường đại học hướng tới mô hình này, ngoài hai nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu vốn có của một trường đại học truyền thống, thì nay có thêm vai trò là "cái nôi" sản sinh ra nhiều nhất các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây chính là xu thế của thế giới mà các trường đại học muốn phát triển không thể tách mình khỏi xu hướng này.
Với tầm nhìn trở thành đại học nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo có vị thế trên thế giới, tiên phong trong lĩnh vực Công Thương, TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho rằng, Nhà trường đã và đang triển khai nhiều kế hoạch trọng tâm, cụ thể, bao gồm:
Đào tạo và nâng cao nhận thức, xây dựng tinh thần khởi nghiệp và văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giảng viên và sinh viên; Phát triển các chương trình đào tạo về khởi nghiệp, triển khai các chương trình đào tạo chính khoá từ cơ bản đến nâng cao về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tổ chức các khóa học, hội thảo, và chương trình ngoại khóa để phát triển năng lực khởi nghiệp và năng lực số cho cả giảng viên và sinh viên; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm...
Ngoài ra, lãnh đạo Nhà trường cũng đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và rài chính cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Có các cơ chế khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp. Thực hiện hoá sứ mệnh thứ 3 của một trường đại học và phục vụ cộng đồng thông qua việc xây dựng mục tiêu phát triển dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội và nền kinh tế đất nước.
Theo TS. Thái Doãn Thanh, Nhà trường cũng đã sớm hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, kết nối được các thành phần liên quan. Nhà trường cũng chú trọng phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Điển hình, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp được hình thành từ sớm, với sứ mệnh kết nối cộng đồng, tạo điều kiện hỗ trợ người học và phát triển các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Cuối chương trình đã diễn ra hoạt động giao lưu mở, với sự tham gia của các diễn giả bao gồm: CEO Đặng Đức Thành, TS. Thái Doãn Thanh, TS. Võ Trí Thành - Phó chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế, ThS. Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp HUIT. Những chia sẻ xoay quanh mô hình đại học khởi nghiệp và phương pháp, công cụ, nguồn lực nhằm hỗ trợ sinh viên và giảng viên tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp... đã nhận được sự quan tâm từ các giảng viên, sinh viên tham gia Chương trình.
Đại học khởi nghiệp là một đề án mới. Thời gian qua, 12 buổi hội thảo đã được tổ chức ở các đại học (ĐH) trên khắp cả nước như ĐH Hoa Sen, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Ngoại Thương Hà Nội, ĐH Hạ Long (Quảng Ninh)... đến nay thì tiếp tục được triển khai tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM.