Kinh doanh

Ngành công nghiệp ứng dụng - Mảnh đất màu mỡ cần khai phá

Hồng Nga 03/11/2024 11:43

Ngành công nghiệp ứng dụng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng lớn. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp (DN) cần giải quyết thách thức về nhân lực và tìm cách tối ưu hóa doanh thu.

Thị trường tiềm năng

Ngành công nghiệp ứng dụng tại Việt Nam đang bùng nổ với tiềm năng đứng đầu trong khu vực và vươn ra thế giới. Theo báo cáo của data.ai năm 2023, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 toàn cầu về số lượt tải ứng dụng, với 5,6 tỷ lượt tải.

cong-nghiep-ung-dung.jpg
Ngành công nghiệp ứng dụng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đã liên tục đạt 34% mỗi năm, đưa Việt Nam trở thành “thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới”. Trung bình, mỗi năm có 1,1 tỷ lượt tải và 10.708 ứng dụng “Made-in-Vietnam” được tải xuống mỗi phút.

Các yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng này là dân số trẻ, có trình độ công nghệ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Theo thống kê của Statista, Việt Nam hiện nằm trong top bốn thế giới về số lượt tải ứng dụng, với người dùng trung bình dành bốn giờ mỗi ngày trên ứng dụng di động. Thêm vào đó, hơn 1.500 nhà phát hành ứng dụng tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong các danh mục phổ biến, đặc biệt là trò chơi điện tử. Dự báo đến năm 2029, ngành công nghiệp ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 1,7 tỷ USD.

Nhưng nhiều thách thức

Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng ngành công nghiệp ứng dụng tại Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các ứng dụng. Vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt các chuyên gia về AI và các chương trình đào tạo chuyên sâu. Điều này đã làm chậm quá trình phát triển nhân lực và cản trở DN tạo ra các sản phẩm AI có tính cạnh tranh cao.

Ngoài ra, hệ thống thử nghiệm nhanh chóng và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển AI còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm thử sản phẩm một cách hiệu quả.

1-0.jpg
Bà Nana Phan - Giám đốc Hợp tác Chiến lược của Yandex Ads tại Đông Nam Á cho rằng, các nhà phát hành Việt Nam cần tiếp cận và tích hợp các công nghệ mới như AI để phát triển kinh doanh

Sự thiếu cố vấn từ các chuyên gia đầu ngành cũng khiến nhà phát triển gặp khó trong xây dựng sản phẩm AI chất lượng. Ông Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Google đã chia sẻ trong một sự kiện gần đây rằng: “AI không chỉ là công nghệ, mà là công cụ để các nhà phát triển định hình thế giới mới. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng để nắm bắt, các nhà phát triển cần được hỗ trợ từ các đối tác toàn cầu về kiến thức, nguồn lực và hạ tầng”.

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp ứng dụng còn đối diện với những rào cản về kiến thức và nguồn nhân lực. Khảo sát từ Yandex Ads chỉ ra rằng, 64% nhà phát hành ứng dụng tại Việt Nam nhận thấy thiếu kiến thức và nguồn lực để gia tăng doanh thu.

Do không có đủ các chương trình đào tạo bài bản, nhiều nhà phát hành ứng dụng phải tự học hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng, dẫn đến thiếu hụt chiến lược bền vững. Vấn đề này đã trở thành một rào cản lớn trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng chất lượng và tăng trưởng lâu dài.

Ngoài ra, tuyển dụng nhân sự chuyên môn là thử thách khi gần một nửa số nhà phát hành gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chuyên viên tăng trưởng và doanh thu, với thời gian tuyển dụng trung bình kéo dài đến 4 tháng, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển sản phẩm.

Cũng theo Yandex Ads, khoảng 40% nhà phát hành cho biết họ thiếu thời gian nghiên cứu tài liệu, trong khi một phần ba gặp khó khăn trong việc kiểm soát quy trình thanh toán. Đặc biệt, 65% nhà phát hành gặp khó khăn trong việc xây dựng chiến lược tối ưu doanh thu, một phần do thiếu kinh nghiệm thị trường quốc tế, không hiểu rõ hành vi người dùng và quy định pháp lý ở các quốc gia khác.

Cần chiến lược toàn diện

bieu-do.png

Theo các chuyên gia, để vượt qua các rào cản trên, ngành công nghiệp ứng dụng Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng. Việc hợp tác với các đối tác công nghệ lớn như Yandex Ads hay Google không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn cung cấp kiến thức và công cụ kỹ thuật hỗ trợ cho sự phát triển của các sản phẩm ứng dụng. Những công ty này có thể cung cấp cơ sở hạ tầng, công cụ và các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ kỹ sư, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ chiến lược với các đối tác công nghệ toàn cầu giúp ngành công nghiệp ứng dụng Việt Nam tiếp cận với kiến thức và công nghệ tiên tiến nhất, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các DN nước ngoài đầu tư vào thị trường ứng dụng tại Việt Nam, góp phần phát triển hệ sinh thái ứng dụng bền vững.

Ở góc độ DN, cần áp dụng các chiến lược đa dạng nhằm tối ưu hóa doanh thu như mua hàng trong ứng dụng, mô hình đăng ký và quảng cáo. Bà Nana Phan - Giám đốc Hợp tác Chiến lược của Yandex Ads tại Đông Nam Á, nhấn mạnh: “Tối ưu hóa vị trí, tần suất và mức độ liên quan của quảng cáo không chỉ bảo đảm trải nghiệm người dùng mà còn duy trì tiềm năng doanh thu dài hạn”.

Bên cạnh việc phát triển trong nước, các DN Việt Nam cũng cần hướng tới thị trường quốc tế để mở rộng quy mô và doanh thu. Điều này đòi hỏi nhà phát hành phải hiểu rõ quy định pháp lý, văn hóa và sở thích của người dùng địa phương. Để thành công, nhà phát hành cần điều chỉnh nội dung và chiến lược quảng cáo cho phù hợp với từng thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận và tương tác với người dùng quốc tế.

Các nhà phát hành Việt Nam cần tiếp cận và tích hợp các công nghệ mới như AI để cá nhân hóa nội dung, phát triển các mô hình doanh thu bền vững và sáng tạo. Sự kết hợp giữa chiến lược thông minh và công nghệ sẽ là chìa khóa để các ứng dụng Việt không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn mở rộng sang thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Hồng Nga