Doanh nhân

Chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế

Huyền Châm 03/11/2024 11:42

Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

* Xin chào ông! Được biết với vai trò là Chủ tịch SACA đồng thời là lãnh đạo một tập đoàn xây dựng lâu năm, ông vừa có kiến nghị nêu các giải pháp mang tính chiến lược nhằm khắc phục khó khăn hiện nay cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho công nghiệp xâu dựng Việt Nam. Ông có thể chia sẻ rõ về đề xuất này?

- Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, Việt Nam cần xác định rõ những ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển, đảm bảo tính hiệu quả. Xét về lợi thế cạnh tranh, ngành xây dựng nổi lên như một lựa chọn đầy tiềm năng và triển vọng có thể đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Trong 2 thập niên 2000-2009 và 2010-2019, ngành xây dựng Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhà thầu nội đã thay thế nhà thầu ngoại ở hầu hết các công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao trên cả nước, trong nhiều loại công trình, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng. Nguồn nhân lực ngành xây dựng cũng phát triển rất mạnh về cả chất và lượng. Hiện đã có trên 4 triệu lao động được đào tạo, huấn luyện qua thực tế thi công tại hàng vạn công trình.

a-hai.jpg
KTS Lê Viết Hải tin rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng và lợi thế để thực hiện thành công chiến lược xuất khẩu xây dựng.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu trong ngành. Cung về nguồn lực trong ngành xây dựng đã tăng nhanh liên tục trong nhiều thập niên và đang vượt quá xa so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước. Để vực dậy và giúp công nghiệp xây dựng phát triển bền vững, chúng ta cần có một chiến lược đột phá giúp lấy lại cân bằng cung – cầu trong dài hạn.

Giải pháp tôi đưa ra chính là chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế. Không chỉ xuất khẩu vật liệu xây dựng, chúng ta còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp. Việc đưa dịch vụ xây dựng tổng hợp Việt Nam ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ícht to lớn mà quan trọng nhất là giải quyết tình trạng dư thừa các nguồn lực do sự mất cân đối cung cầu hiện nay. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng và lợi thế để thực hiện thành công chiến lược xuất khẩu xây dựng.

* Ở trên ông đề cập tới những lợi thế cạnh tranh, vậy ngành xây dựng nếu xuất khẩu sẽ có những lợi thế thế nào?

- Chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh nổi bật. Thứ nhất là nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chi phí cạnh tranh. Với hơn 4 triệu lao động (theo số liệu của Bộ Xây dựng năm 2020), ngành xây dựng Việt Nam có lực lượng lao động lớn, chi phí thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Ví dụ, lương trung bình của công nhân xây dựng Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc và 1/5 so với Malaysia. Bên cạnh đó, thị trường lao động ngành xây dựng ở rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam ngược lại - cung lớn hơn cầu.

image.jpeg
Ngành xây dựng Việt Nam có lực lượng lao động lớn, chi phí thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Không những vậy, đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế tại thị trường trong nước, đội ngũ công nhân được huấn luyện kỹ năng tay nghề qua thực tế tại nhiều công trình quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao, cần cù và sáng tạo, thừa hưởng những phẩm chất đáng tự hào của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Đây là lợi thế rất lớn so với nhiều quốc gia khác.

Thứ hai là công nghệ và kỹ thuật xây dựng tiên tiến. Nền kinh tế và ngành xây dựng Việt Nam may mắn trải qua thời kỳ bùng nổ tái thiết đất nước sau 50 năm chìm trong chiến tranh, bao cấp và cấm vận (1945- 1995). Những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp tiên tiến nhất, phong phú nhất, sở hữu máy móc trang thiết bị hiện đại nhất trong xây dựng. Điều này tôi đã nhận ra rõ ràng nhất khi có dịp đi nhiều nước ở nhiều châu lục khác nhau; đặc biệt là các nước ở Châu Phi.

Thứ ba là chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng cạnh tranh. Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10% đến 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài. Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài vật liệu xây dựng, Việt Nam còn có lợi thế trong cung cấp các dịch vụ trong công nghiệp xây dựng như cung cấp dịch vụ BIM, dịch vụ thiết kế và cả dịch vụ quản lý dự án cho những nhà thầu nước ngoài ở những công trình xây dựng tại nhiều nước trên thế giới.

Với những lợi thế đó, tôi tin rằng ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Thậm chí, chúng ta còn có thể vươn tới những thị trường phát triển như Australia, Mỹ, Nga... những nơi có nhu cầu rất lớn về nhà ở và cơ sở hạ tầng ở đó có những điều kiện thuận lợi và khả năng mang lại hiệu quả cao.

* Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể sớm hiện thực hóa việc đem chuông đi đánh xứ người trong ngành công nghiệp xây dựng như các nhà thầu Nhật, Hàn, Trung, thưa ông?

- Để hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Chính phủ đóng vai trò định hướng chiến lược, tạo ra môi trường pháp lý và hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác thị trường quốc tế một cách hiệu quả, bền vững.

Chúng ta cần xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu xây dựng, trong đó Chính phủ cần xác định rõ xuất khẩu xây dựng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có các chính sách hỗ trợ toàn diện và dài hạn.

Doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường; hỗ trợ tài chính, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xây dựng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đổi mới quản trị, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; đưa lĩnh vực xây dựng vào các đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng và quảng bá thương hiệu "Xây dựng Việt Nam" trên trường quốc tế, tạo niềm tin cho khách hàng nước ngoài…

Về phía doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần tiến hành tái cấu trúc toàn diện, bao gồm việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và đổi mới mô hình kinh doanh; xác định thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Các doanh nghiệp nên mạnh dạn hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Việc kết nối với doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài có thể mở ra cơ hội mới về thị trường, công nghệ và vốn đầu tư, đồng thời tận dụng được kinh nghiệm quốc tế của cộng đồng doanh nhân Việt kiều. Đây là một lợi thế không dễ tìm thấy ở những quốc gia khác…

Xây dựng nước ngoài một thị trường đầy tiềm năng, có quy mô gấp 450 lần thị trường trong nước. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng quy mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4-5 lần nhưng quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và tích lũy nguồn ngoại tệ cho quốc gia.

Tôi tin rằng với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn hiện tại, vươn ra biển lớn và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Xuất khẩu xây dựng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Xin cảm ơn ông!

Huyền Châm