Kinh tế số

Hàng Việt, biến rủi thành may, tại sao không?

Nguyễn Đức Huy 29/10/2024 18:08

Những ngày qua, truyền thông và mạng xã hội dậy sóng vì cơn lốc thương mại điện tử (TMĐT) giá rẻ từ Trung Quốc (TQ). Lửa thử vàng, hàng Việt nếu được bảo hộ và dám đột phá, đủ sức canh tranh sòng phẳng với hàng TQ giá bèo.

Mấy năm nay, TMĐT TQ đã tung hoành như chỗ không người. Theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng không bị thu thuế giá trị gia tăng.

Với quyết đinh này, hàng TQ vào Việt Nam coi như được miễn thuế. Với lợi thế dân số, hàng TQ sản xuất đại trà, số lượng lớn nên hàng Việt không có cửa cạnh tranh sòng phẳng. Có doanh nghiệp bi quan “Sau thảm họa bão Yagi, có một cơn bão khác nguy hại hơn nhiều lần, đó là bão “TMĐT giá rẻ” của bộ tứ - 1688 - Temu - Shein - Taobao” từ TQ.

Bão Yagi, là thiên tai, chỉ tàn phá một số tỉnh phía Bắc, trong thời gian rất ngắn. Bão TMĐT giá rẻ là nhân tai, đang càn quét khắp lãnh thổ Việt Nam và chưa biết lúc nào chấm dứt. Thiên tai không thể ngăn chặn nhưng nhân tai thì có thể. Con người tạo ra được thì con người xóa bỏ được. Vấn đề là thật sự muốn hay không?

29.10.tmdt.jpeg
Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận hệ thống thương mại điện tử giúp việc bán hàng nhanh chóng và thuận tiện

Hàng Việt đơn độc chống đỡ với tứ bề thọ định. Nhà sản xuất lâu nay chậm chân, ít chịu thay đổi trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Cơ quan quản ly lơ là, có cũng như không, nhiều khi còn làm khó doanh nghiệp vì những qui định bất cập, nhiều khi còn nhũng nhiễu.

Trước khi bộ tứ TMĐT TQ công khai 4 mũi giáp công, bà Nguyễn Thùy Linh Cát - doanh nhân trẻ, sáng lập thương hiệu CATSA nổi tiếng, đã cay đắng đóng 22 cửa hàng, chuyển hướng kinh doanh sau 13 năm gầy dựng. Không ít doanh nghiệp đã lặng lẽ “buông súng” trước TMĐT từ TQ với những cơn lốc Lazada, TikTok Shop và mới đây là 1688, Temu, Shein, Taobao; được tiếp sức từ nền tảng giao hàng xuyên biên giới.

Doanh nghiệp phải tìm đường "cắt máu" để tồn tại. Từ giảm các chi phí đến tối ưu hết mức nhưng cũng không dễ dàng. Hàng TQ giá cực rẻ, chuyển thẳng sang Việt Nam chỉ vài ngày, cứ như được sản xuất tại chỗ. Hàng rẻ, ở đâu cũng giao, nhiều đơn hàng 0 đồng, miễn phí vận chuyển khiến cuộc đua kinh doanh của doanh nghiệp Việt, khó chồng khó; chòi đạp, vũng vẫy tuyệt vọng.

Chiều 23/10 trong buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay “đã giật mình vì giá quá rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa biết giá đó thật hay không. Bộ giao Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số rà soát, đánh giá tác động; sẽ có thông tin kết quả và giải pháp kiểm soát phù hợp. Cần bình tĩnh đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân; tuân thủ nguyên tắc thị trường; tạo hành lang quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước”.

Các doanh nghiệp cứ chịu khó, yên tâm chờ Bộ Công Thương rà soát. Khó nhiều rồi, khó hơn chút không chết ngay. Theo nghị định 82023/NĐ-CP, “sàn giao dịch TMĐT, các sàn TMĐT khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký”.

Sáng 24/10, bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; PGS-TS. Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) bày tỏ lo ngại khi một số sàn TMĐT giá rẻ đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký.

Theo ông Ngân “Đó là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa, ngừng hoạt động ngày càng tăng, thất nghiệp ngày càng nhiều? Doanh nghiệp Việt đang chịu sự cạnh tranh không công bằng và minh bạch trên môi trường TMĐT. Chưa đăng ký, nghĩa là chưa chịu thuế nên giá rẻ, nhưng chất lượng sản phẩm liệu có tương xứng?”.

Nếu cứ thả cửa như hiện nay; chỉ còn các công ty FDI tồn tại, gây khó người tiêu dùng Việt vì lệ thuộc vào hàng nhập khẩu. Kinh tế phụ thuộc thì chủ quyền khó độc lập. Người tiêu dùng không có lỗi khi chạy theo hàng giá rẻ. Có trách là trách doanh nghiệp chậm đổi mới, trách “người gác cửa” thiếu trách nhiệm, trách nhà nước thiếu chính sách tiếp sức doanh nghiệp Việt.

Cần có ngay chính sách thuế với TMĐT và những rào cản thương mại; đảm bảo sự minh bạch, công bằng, bảo hộ sản xuất kinh doanh trong nước với nước ngoài. Doanh nghiệp Việt, phải thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và rất cần những chính sách thiết thực, tiếp sức từ chính phủ; đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Họa hề phúc chi sở ý” (trong họa có may). Đây là dịp doanh nghiệp Việt nhìn lại mình. “Thay đổi hay là chết”, không còn lựa chọn khác. Từ mẫu mã, tối ưu hóa sản xuất, dịch vụ bằng công nghệ; tinh gọn bộ máy; tổ chức tiếp thị, phân phối... Tất cả phải đổi mới. Người ta làm được, mình làm được. Khi giá thành và chất lượng tương đương, không người Việt nào lại chọn hàng TQ. Không thể hô hào yêu nước suông với hàng giá cao, chất lượng kém.

Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp Việt phá sản, thất nghiệp gia tăng; ảnh hưởng kinh tế, gây hệ lụy xã hội tiêu cực như trộm cắp, cướp giật, bất ổn an ninh trật tự, gia đình bất hòa... Các ngân hàng hụt nguồn vay từ doanh nghiệp trong nước. Cấp bách, nhà nước phải ra tay, khẩn trương hỗ trợ những doanh nghiệp dám thay đổi, dám đối mặt thử thách.

Thông tin mới nhất, đến chiều tối 24/10, Temu mới gửi đơn đăng ký hoạt động đến Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số. Dư luận đang chờ Bộ Công thương có phương án bảo hộ hàng Việt theo luật định. Có thể nghiên cứu kinh nghiệm đối phó với TMĐT từ các nước láng giềng. Malaysia áp thuế giá trị gia tăng 10%; Thái Lan 7% với các sàn TMĐT nước ngoài. Quyết liệt nhất là Indonesia, thị trường TMĐT lớn nhất Asean.

mua-hang-tren-ung-dung-temu-3.jpg
Đến chiều tối 24/10, Temu mới gửi đơn đăng ký hoạt động đến Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số

Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng TMĐT Temu của TQ trên các cửa hàng ứng dụng. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi, “việc này nhằm bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, trước "làn sóng" sản phẩm Temu siêu rẻ. Indonesia không bảo vệ ngành TMĐT, mà bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào từ Temu vào TMĐT trong nước và chuẩn bị cấm với Shein".

Năm ngoái, Indonesia đã buộc nền tảng mạng xã hội TikTok thuộc ByteDance ngừng dịch vụ TMĐT để bảo vệ các tiểu thương và dữ liệu người dùng. Chính phủ đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử... của các sàn TMĐT.

Đoạn tuyệt tư duy “Không quản được thì cấm”, không có nghĩa là bỏ mặc doanh nghiệp Việt chết đuối rồi mới ném phao đối phó. Với doanh nghiệp Việt, phải biến rủi thành may. Lửa thử vàng, hàng Việt nếu được bảo hộ và dám đột phá, đủ sức canh tranh sòng phẳng với hàng TQ giá bèo.

Nguyễn Đức Huy