Quản trị

Để nhân viên cảm thấy được đi làm

Đặng Hoa 29/10/2024 - 14:15

Xây dựng tinh thần làm chủ, gắn công việc nhân viên với sứ mệnh của doanh nghiệp, ghi nhận và tưởng thưởng những nỗ lực của nhân viên, tạo cơ hội phát triển cá nhân,... là những yếu tố tạo động lực bên trong mỗi nhân viên, từ đó giúp gia tăng tính gắn kết.

Sự gắn kết của nhân viên ngày càng quan trọng khi thế giới bước vào thời kỳ kinh tế bất ổn. Jim Harter, nhà khoa học trưởng của Gallup cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và bất ổn, sự gắn kết có tác động mạnh mẽ hơn đến hiệu suất của tổ chức.

Cụ thể, Gallup ước tính, mức độ gắn kết thấp đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu tới 8,9 nghìn tỷ USD, tương đương 9% GDP toàn cầu.

Ngược lại, nhân viên gắn kết với công việc thường có khả năng duy trì năng suất cao hơn 17% và tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn 41% so với những nhân viên không gắn kết. Đây không phải là những con số nhỏ lẻ, mà là kết quả từ môi trường nơi mà nhân viên cảm thấy mình được phát triển, được công nhận và có mục tiêu rõ ràng.

nhan-vien-di-lam-vi-luong-1920x1080.jpg

Động lực xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân người lao động được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo gắn kết và thúc đẩy nhân viên, vượt qua cả những yếu tố như tiền lương hay điều kiện vật chất.

Tại nhiều doanh nghiệp, tinh thần làm chủ (ownership) đã trở thành một trong những nền tảng chính để thúc đẩy sự gắn kết.

Khi nhân viên cảm thấy không chỉ là người thực hiện mà còn là người sở hữu một phần trách nhiệm và thành công của doanh nghiệp, họ sẽ chủ động hơn trong công việc.

Theo Gallup, khi nhân viên cảm thấy có quyền sở hữu và mức độ gắn kết cao, 97% cho biết họ có ý định gắn bó lâu dài với công ty.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ tinh thần này. Tại LuxGroup, nhân viên không bị giới hạn trong các mô tả công việc cứng nhắc mà được trao quyền tự quyết trong từng hành động nhỏ nhất. Thay vì phải tuân theo những quy trình quản lý khắt khe và giao KPI từ trên xuống, họ có quyền đưa ra sáng kiến, cải tiến và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

z5978527330431_5377487c9df9abea73cb3c6caa4fc57e.jpg
Tinh thần tích cực của nhân viên vì được trao quyền

Phương pháp này không chỉ khuyến khích tính sáng tạo mà còn giúp nhân viên cảm thấy tự hào về công việc của mình, từ đó họ không coi đi làm như một nghĩa vụ mà là một phần trong quá trình tự hoàn thiện bản thân.

“LuxGroup đảm bảo Luxer (cán bộ, nhân viên) làm việc trong môi trường thân thiện, có ý thức về trách nhiệm và cảm giác hạnh phúc khi đóng góp vào sự thành công của công ty”, ông Hà nói.

Bên cạnh văn hóa làm chủ, việc công nhận và tưởng thưởng đã chứng minh là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tạo động lực cho nhân viên.

(Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup)

Với ông Hà, xây dựng văn hoá sở hữu không chỉ cổ phần mà còn là tinh thần làm chủ thực sự, tự động lực hướng tới điều lớn lao hơn mỗi ngày.

Theo một nghiên cứu của Glassdoor, 81% nhân viên cảm thấy hào hứng và gắn kết hơn nếu họ được công nhận đúng lúc. Các hình thức công nhận này không nhất thiết phải là những khoản thưởng lớn hay những buổi lễ trang trọng, mà đôi khi chỉ là một lời khen ngợi từ cấp trên, một email ghi nhận thành quả, hoặc một buổi họp tán dương những nỗ lực đóng góp.

LuxGroup đã thành công trong việc áp dụng những chính sách công nhận linh hoạt và chân thành. Mỗi sáng kiến, từ những cải tiến nhỏ nhất, đều được cấp quản lý ghi nhận và đánh giá cao.

“Chúng tôi không chỉ công nhận thành công của nhân viên bằng con số mà còn bằng cách nhìn nhận họ như những người đồng sáng tạo, không chỉ là người làm thuê. Điều này giúp nhân viên có thêm niềm tin vào những giá trị mình mang lại”, ông Hà chia sẻ.

Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn đến động lực đi làm của nhân viên là mức độ kết nối giữa mục tiêu cá nhân và sứ mệnh doanh nghiệp.

Các công ty như Zappos khuyến khích nhân viên chia sẻ ý tưởng và tham gia vào các quyết định quan trọng của tổ chức. Điều này tạo nên sự gắn bó khi nhân viên cảm thấy họ đóng góp trực tiếp vào tương lai của công ty​.

Chính sách “The Offer” của Zappos cho phép nhân viên mới rời khỏi công ty và nhận khoản tiền thưởng 2.000 USD nếu họ không cảm thấy phù hợp. Chính sách này khẳng định rằng sự gắn kết và động lực làm việc là tự nguyện và đáng giá hơn bất kỳ khoản tiền nào.

Ở Unilever, nhân viên được kết nối chặt chẽ với những giá trị phát triển bền vững của công ty. Chính điều này giúp nhân viên không chỉ làm việc vì lương mà còn cảm thấy rằng mỗi hành động của mình đang góp phần bảo vệ môi trường, phát triển xã hội.

Đối với những công ty tiên phong, họ nhận ra rằng việc thúc đẩy nhân viên cảm thấy "được đi làm" phụ thuộc vào cách doanh nghiệp truyền tải và gắn kết các giá trị lớn hơn với cuộc sống của mỗi người. 70% số người tham gia một nghiên cứu của McKinsey cho biết, cảm giác về mục đích sống của họ chủ yếu được định hình bởi công việc.

Với một thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến việc học hỏi và thăng tiến, các chương trình đào tạo và phát triển đã trở thành yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy động lực làm việc.

Trong số 4.000 người tham gia một khảo sát của LinkedIn Learning, có tới 94% người cho biết sẽ ở lại lâu hơn với một công ty nếu họ được đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng.

Theo lãnh đạo LuxGroup, vì luôn coi con người là tài sản quý giá nhất, tập đoàn đề cao việc phát triển và đào tạo nhân viên, tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Đội ngũ nhân viên tại LuxGroup không chỉ được đào tạo về kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị các kỹ năng mềm và phẩm chất đạo đức, để tạo nên một bộ máy hoạt động hiệu quả và tôn trọng đồng nghiệp cũng như khách hàng.

“Đây cũng là một chiến lược dài hạn để giữ chân nhân tài và tạo ra đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng đối mặt với các thử thách mới”, ông Hà nói.

Sự cân bằng công việc - cuộc sống và môi trường làm việc linh hoạt cũng là yếu tố cần được chú trọng.

Theo Deloitte, thế hệ Millennials và Gen Z đánh giá rất cao sự cân bằng công việc và cuộc sống. Họ mong muốn có được một môi trường làm việc không quá gò bó, nơi mà họ có thể quản lý thời gian một cách linh hoạt và có thời gian để chăm sóc bản thân.

LuxGroup khảo sát để lắng nghe và tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao wellbeing cho nhân sự. Một khảo sát mới đây nhất của doanh nghiệp này về đội ngũ cho thấy, 67% nhân viên thỉnh thoảng cảm thấy công việc căng thẳng và 81% hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mức độ căng thẳng trong công việc là một điểm cần chú ý, khi vẫn còn 33% nhân viên cảm thấy công việc gây áp lực.

"Từ các ý kiến đóng góp, công ty có thể tập trung vào việc giảm bớt áp lực công việc, cải thiện các chính sách lương thưởng, và duy trì môi trường làm việc an toàn, thân thiện. Bên cạnh đó, công ty có thể tăng cường các cơ hội phát triển và nâng cao khả năng thăng tiến để đáp ứng kỳ vọng của nhân viên", ông Hà nói.

Ngoài ra, công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường làm việc hiện đại, nơi mà nhân viên cảm thấy mình luôn được kết nối và nhận phản hồi nhanh chóng.

Ông Phạm Trần Long, Phó Tổng giám đốc kinh doanh F88 cho biết, việc áp dụng công nghệ trong công nghệ đã giúp doanh nghiệp duy trì kết nối và cập nhật thông tin theo thời gian thực trong cơn bão Yagi vừa qua, nhờ đó, đưa ra các quyết sách nhanh chóng và chính xác. Cũng chính công nghệ đã giúp cho F88 và các đối tác có thể tiếp cận kịp thời đến những nơi cần được cứu trợ trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Còn với LuxGroup, ông Hà cho biết, công nghệ đã giúp nhân sự LuxGroup mang lại trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng ở từng điểm chạm, dù là ở trên nền tảng số. Việc áp dụng công nghệ vào quản lý cũng giúp LuxGroup tạo ra một môi trường làm việc hiện đại, bắt kịp xu hướng, và phù hợp với yêu cầu của thế hệ nhân viên mới.

Đặng Hoa