Món ngon mùa nước nổi
Giữa xứ nước nổi với những cơn gió lúc hiu hiu, lúc làm nghiêng ngả vạt tràm gió mới cảm hết hồn quê, cảm hết chiều sâu văn hóa dân dã mênh mang như con nước tràn đồng…
Nhận được điện thoại của ông bạn văn giục xuống Mộc Hoá nhậu bởi Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước đang lên nhanh, lại lớn hơn nhiều so với những năm gần đây, tôi bồi hồi nhớ kỷ niệm với mùa nước nổi năm 1973.
Tôm càng xanh luộc cuốn cọng bông súng và chiếc xuồng giao liên
Hồi ấy, tôi được một giao liên Giải phóng đưa xuống viết chuyện quân và dân Cai Lậy, Cái Bè chiến đấu với đối phương ở căn cứ quân sự Đồng Tâm. Muốn xuống hai huyện ấy (bây giờ thuộc tỉnh Tiền Giang) phải băng qua biển nước Đồng Tháp Mười. Chiếc xuồng ba lá của cô giao liên tên Sáu (chắc chưa đến 20 tuổi) mới vượt được một chặng thì trời tối, phải tấp vào một khu rừng tràm nấu cơm. Cô Sáu đưa tôi hai lưỡi câu cùng dây cước, bảo bẻ cành tràm làm cần, lấy trứng kiến vàng trên ngọn tràm làm mồi. Tôi phải hai tay giật hai cần câu không nghỉ vì cá tôm cắn mồi liên tục. Chỉ một lúc, Sáu bảo đã dư ăn, cứ thả cá giữa đồng cho tươi!
Bếp lửa dã chiến bập bùng giữa lòng chiếc xuồng nhỏ bé cho một bữa ăn với chỉ một món cá lóc và tôm càng xanh luộc cuốn cọng bông súng, hẹ nước chấm muối ớt, mà với tôi là nhớ đời bởi lần đầu biết thế nào là món ngon dân dã mùa nước nổi.
Rồi đất nước mới qua chiến tranh được ba năm, ông trời giáng một đợt mưa rất lớn từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Mekong, làm ngập lụt chưa từng có gần như khắp miền Tây Nam bộ, dìm sâu cả lộ 4 (quốc lộ 1A ngày nay) đoạn từ thị xã Tân An đến Bắc Mỹ Thuận. Lần ấy tôi đi viết về Tứ giác Long Xuyên bằng cách ngồi vỏ lãi hết chặng này đến chặng khác. Ở ngoại vi thị xã Châu Đốc, thấy một cậu bé ngồi câu, tôi sà xuống. Cũng như “ngày xưa” ở Đồng Tháp Mười, nhận cần câu ở cậu bé, tôi giật đến mỏi tay những rô, trê, nhưng nhiều nhất là cá chốt. Tôi hỏi bé sao ở đây nhiều cá chốt quá vậy. Cậu bé nói: “Con chọn ngồi câu chỗ này vì nhiều cá chốt. Câu làm lẩu ngon hết sảy”.
Đồng nước mênh mông mà cậu bé biết luồng cá chốt đi, thật là tài!
Cá linh là “sứ giả” và bông điên điển là “biểu trưng” mùa nước nổi
Ký ức làm tôi thèm những món ăn dân dã trong mùa nước nổi mà đất “Chín Rồng” mới có, nên vội bắt xe đò xuống Tân An rồi xuôi lộ 62 đắp cao đang mấp mé nước về thị trấn Mộc Hoá (nay là thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An) - rốn lũ Đồng Tháp Mười, theo rủ rê của ông bạn văn.
Bạn văn đón tôi bằng chiếc xuồng ba lá y như chiếc xuồng giao liên thời kháng chiến, chèo thẳng ra cánh đồng lênh láng nước, tấp vào một bờ kênh chỉ thấy lấp ló ngọn trâm bầu và đung đưa bông điên điển. Mươi năm nay, dân ruộng không chờ mùa nước nổi để có bông điên điển mà nhiều nơi tự trồng, cứ cắm cành xuống đất ẩm hay ngập nước là chẳng bao lâu đã cho hoa để ăn, để bán.
Về đến nhà, bà xã của ông bạn văn đã chuẩn bị một thau cá linh non với mấy trái bần, mấy trái cà na chín đập dập cùng đủ loại rau và gia vị cho nồi lẩu chua có tên là lẩu cá linh non bông điên điển.
Cá linh lớn theo con nước, lứa đầu mùa nước gọi là cá linh non, giữa mùa nước, cá non đã thành “già”, ngon nhất là kho tộ, kho ngọt, kho rục hay chiên tươi chấm nước mắm gừng. Nhiều người cho rằng cá linh là “sứ giả” và bông điên điển là “biểu trưng” của mùa nước nổi miền Tây.
Ăn lẩu, ngoài lẩu cá linh bông điên điển còn có lẩu lươn đồng, cá rô, cá lóc, ngon nữa là lẩu tôm càng, ốc bươu…
Hôm sau, ông bạn văn dẫn tôi xuống huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nơi chúng tôi có một nhóm bạn là dân ruộng và cán bộ hưu trí. Mấy ông dân ruộng hỏi tôi thích ăn gì, tôi chọc: “Mấy ông nghèo, để tôi đãi, nhưng… không biết đãi gì”. Ông bạn văn xướng: “Mấy con cá lóc nướng lụi, mấy con rắn bông súng, rắn trun nướng lèo, lươn hấp sả, chuột đồng kho rau răm hay tẩm ngũ vị hương chiên, vài chục con rô chiên giòn… là đưa cay được rồi”.
Tôi nghe mà “ớn lạnh” vì mấy thứ đó đắt lắm. Vui vẻ thế nhưng mấy ông “thổ địa” hình như đã “đặt hàng”, lục đục dọn mâm đủ mấy món bạn văn vừa liệt kê.
Cá lóc mùa nước to lắm bằng cánh tay em bé không mập, thường gọi là cá tràu, nhưng rất chắc và thơm thịt, nướng lụi hay nướng trui chấm muối hột dằm ớt hiểm thì… hao mồi lắm lắm. Cá rô cũng vậy, cỡ hai ba ngón tay đã là lớn, hiếm con kịp lớn hơn để được gọi là rô mề, nhưng dân miền Tây rất thích vì xương mềm, thịt bùi béo.
Nếu được cùng mâm với dân ruộng khi nước tràn đồng với món thịt chuột khìa nước dừa hay nướng, chiên thì đồ rằng bạn “ăn quên đường về”.
Rồi rắn bông súng, rắn trun nướng lèo hay bằm xào lá cách, nấu cháo đậu xanh, hầm sả.
Rồi lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách.
Rồi rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong.
Rồi canh chua ba ba nấu con mẻ với bắp chuối, cua đinh nướng mật ong...
Món nào món nấy cứ phải hít hà!
Mùa nước nổi còn có cá trèn bầu và cá lưỡi trâu, dù nay đã mất dần. Câu ca “Con cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng. Con cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi" nghĩa đen nói đúng “hình thể” của hai loại cá này, đem làm mắm là hết ý, kho lạt, dầm trái bần thì có vị béo, vị ngọt, mằn mặn, chua chua…
Mải mê chuyện tôm cá, quên mất mùa nước tràn đồng có rất nhiều loại rau. Một người miền Tây đăng báo liệt kê: “Bông lục bình xào tép trấu, bông so đũa nấu canh chua; bông súng thì ăn cả bông, cả cọng; cù nèo, tai tượng chọn búp, có bông, bùi bùi, nhẫn nhẫn, làm lạ nồi canh chua, lẩu mắm… Mùa nước nổi còn có lá me, lá cóc đem nấu canh chua, lá sen cuốn cá nướng, lá vừng cuốn bánh xèo. Đọt sẽ là cành, nhưng đọt cũng là rau, nhất là đọt choại, đọt mỏ quạ lúc sa mưa…”.
Dân đồng bằng sông Cửu Long, như nhận xét của một người cố cựu nơi đây, rất phóng khoáng trong chuyện ăn uống, theo kiểu có gì ăn đó, huơ một nắm, hái một mớ, lặt một rổ, bẻ một nùi… vậy mà ngon không có chỗ để chê!
Cái cảm giác ngồi trên xuồng dập dềnh hái từng chùm bông điên điển vàng hực một khoảng không thật là thú vị mà ngoài miền tây mùa nước nổi, không đâu có.