Văn hóa nghệ thuật

Bí mật đằng sau những ca khúc nổi tiếngKỳ 1: Nữ hoàng vũ trường và vụ tạt axít đầu tiên ở Sài Gòn

Hà Đình Nguyên 27/10/2024 14:00

Đằng sau những ca khúc nổi tiếng có muôn vàn những bí mật chưa được giải mã. Từ số báo này, Doanh Nhân Sài Gòn khởi đăng loạt bài của nhà báo Hà Đình Nguyên về vấn đề này…

Trong bài viết này, chúng tôi không muốn khơi gợi sự tò mò nơi độc giả mà chỉ mong số phận của nhân vật này được chia sẻ, cảm thông...

Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, bài hát Bài hát cho người kỹ nữ của Nhật Ngân và Duy Trung trở nên rất quen thuộc trong giới mộ điệu cả trong nước lẫn hải ngoại: “Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người/ Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi/ Người đời vô tình giẫm nát thân em/ Người đời vô tình giày xéo thân em/ Người đời vô tình giết chết đời em...”.

Bài hát được cho là viết về cuộc đời của vũ nữ Cẩm Nhung. Theo tư liệu thì Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô theo gia đình di cư vào Nam. Cuộc sống chưa ổn định thì ba của cô bị bệnh và mất. Từ đó cô bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng rồi trở thành gái nhảy chuyên nghiệp khi chưa đầy 19 tuổi (cuối thập niên 1950).

vu-nu-cam-nhung.jpg
Một bài báo trước 1975 tường thuật về vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen tạt axit. Ảnh tư liệu

Ngoài khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng, tạo hóa còn ban thêm cho Cẩm Nhung đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Vì vậy Cẩm Nhung được các vũ trường săn đón như “hàng độc” và được dân chơi Sài Gòn xưng tụng là “Nữ hoàng vũ trường”.

Scandal đánh ghen tạt axít

Tại vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1), Cẩm Nhung đã gặp gỡ và trở thành người tình của trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên là Lâm Thị Nguyệt nhưng người ta quen gọi là “Bà Năm Ra-đô”. Điên cuồng vì ghen, Bà Năm Ra-đô đã thuê hai tên giang hồ hủy diệt nhan sắc cô vũ nữ.

Khoảng 22 giờ đêm ngày 17/7/1963, Cẩm Nhung vừa rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn thì từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua, tạt một ca axít vào mặt. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với!” rồi ngã gục bên đường.

Ngày 18/7/1963, đồng loạt các tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn đăng tin, giật tít rất giật gân về việc “Nữ hoàng vũ trường” - vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít, phá hủy toàn bộ gương mặt xinh đẹp. Các tờ báo đều có chung nhận xét, đây là vụ đánh ghen bằng axít lần đầu tiên xảy ra tại Sài Gòn.

Cẩm Nhung qua những trang hồi ký của nhà thơ Nguyên Sa

Trong hồi ký, nhà thơ Nguyên Sa - tác giả những bài thơ nổi tiếng Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba..., đã viết về Cẩm Nhung như sau: “Trong niên khoá 1955-1956, tôi dạy học môn triết ở Chu Văn An, ra khỏi lớp học là tôi chạy về gặp Mai Thảo. Trên chiếc xe Austin, chúng tôi thường hay tới ngôi nhà gần bờ sông Sài Gòn. Chúng tôi ngồi trong gian phòng khách nhỏ, người thiếu nữ khuôn mặt đã trang điểm, đôi mắt rất đen và rất to, phấn nền và phấn hồng đều mỏng, nói với tôi chào anh, nói với Mai Thảo chờ em. Nàng mau chóng thay đổi xiêm y sau bức bình phong hình chữ nhật chiều ngang lớn hơn chiều cao, phía ngang kín bưng nhưng đầu và chân không được che kín... Thiếu nữ nhìn tôi cười có nét e thẹn, tôi cười đáp lại, có phần ngượng ngùng... Chúng tôi vào Arc en Ciel...

Lần chót tôi gặp lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp bên đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, anh móc trong túi ra một nắm giấy bạc... Tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn.

Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất, dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, nàng ngẩng mặt lên gọi “anh”, Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng, an ủi bằng xúc giác, không có âm thanh nào được phát lên.

Khi đã ngồi vào trong xe, tôi nói ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung. Tên người vũ nữ thay quần áo sau tấm bình phong mỗi lần Mai Thảo và tôi đến đón nàng đi làm hay đi ăn... Cẩm Nhung bị tạt axít trong một trận đòn ghen. Tôi nhìn bạn ngậm ngùi: Cẩm Nhung! Mai Thảo nhìn về phía trước mặt, như nói một mình, rất khẽ: Nhung đấy!”. (trích Hồi ký, Đời 1998).

Đoạn kết của đòn thù

Trước năm 1975, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với một người tình treo trước ngực, lê bước khắp Sài Gòn để cầu xin lòng thương hại của người qua đường.

Những năm tháng Cẩm Nhung đi ăn xin cũng là lúc ở các sân khấu ca nhạc đang thịnh hành bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ” của hai tác giả Nhật Ngân - Duy Trung.

Không biết hai tác giả viết để tặng cho ai khác hay vì xót thương số phận của Cẩm Nhung mà lời bài hát như nói về cuộc đời của cô vũ nữ bất hạnh này.

Người ta kể rằng, mỗi khi tình cờ nghe bài hát này, Cẩm Nhung luôn ôm mặt khóc, đứng tựa vào đâu đó thật lâu rồi mới dò gậy đi ăn xin tiếp...

Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa... Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, Kiên Giang...

Rồi một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở Hà Tiên, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Người chết được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa... Sẽ không có chuyện gì đáng nói, nếu như người quá cố ấy không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.

---------------------------------------------------

Kỳ 2: Nàng thơ "Kiếp nào có yêu nhau" của Phạm Duy

Hà Đình Nguyên