Quản trị

Những yếu tố khiến ngân hàng ngại rót vốn

Võ Nhật Khánh Hà (*) 27/10/2024 10:00

Từ góc độ của ngân hàng, quyết định cho doanh nghiệp vay vốn không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Thời gian vừa qua, chúng ta nói rất nhiều về việc SMEs khó hoặc không có khả năng vay vốn từ phía ngân hàng. Nhưng theo tôi, các ngân hàng luôn sẵn sàng, thậm chí là mời chào các doanh nghiệp đến để vay tiền. Thực chất là càng vay nhiều thì ngân hàng càng thích. Vậy, điểm “khó” kia nằm ở đâu?...

Tài sản đảm bảo không phải là tiêu chí hàng đầu

Chúng ta cùng quay lại câu chuyện từ phía doanh nghiệp. Gần đây, tôi có cơ hội làm diễn giả tại một số hội thảo quy mô, được trò chuyện cùng với đội ngũ giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp của khối SMEs. Câu hỏi tôi dùng để bắt đầu buổi hội thảo luôn là: Yếu tố quan trọng nhất mà anh chị cho rằng ngân hàng quan tâm, để cho các anh chị vay vốn? Tôi đã nhìn ra ngay lời giải cho câu hỏi để lửng ở trên khi nghe hầu hết hội trường trả lời rằng yếu tố đó là tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo là một yếu tố quan trọng trong quá trình xem xét cho vay, nhưng không phải là tiêu chí quyết định hàng đầu. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại thường không mong muốn phải xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, vì điều này chứng tỏ rằng khoản vay không đạt hiệu quả mong muốn. Hơn nữa, quy trình xử lý tài sản đảm bảo khi doanh nghiệp không trả nợ có thể kéo dài từ 4 đến 5 năm hoặc thậm chí hơn, do nhiều vấn đề pháp lý và thủ tục phức tạp. Vậy tại sao ngân hàng lại muốn dấn thân vào những công việc như vậy?

langkinh_5yeuto.jpg

5 yếu tố ngân hàng quyết định rót vốn

Nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và làm việc với các chủ doanh nghiệp đã giúp tôi nhận ra rằng các ngân hàng không chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo mà đánh giá dựa trên năm yếu tố quan trọng khác:

- Năng lực tài chính và khả năng trả nợ của SMEs đóng vai trò rất quan trọng, xếp đầu tiên khi quyết định việc ngân hàng cung ứng giải pháp ngân hàng doanh nghiệp đến khách hàng. Tình hình tài chính của một doanh nghiệp thể hiện rõ nét qua cơ cấu tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu. Từ đó phản ánh sức khỏe tài chính, khả năng thanh toán và mức độ rủi ro tài chính. Độ bền vững tài chính cũng là một yếu tố không thể thiếu, được đánh giá qua các chỉ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận, vòng quay vốn và hệ số nợ…

Ngoài ra, một doanh nghiệp có dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh sẽ dễ dàng nhận được sự tín nhiệm từ phía ngân hàng, đặc biệt là khi dòng tiền này đủ để trang trải các khoản nợ gốc và lãi đúng hạn. Lịch sử tín dụng cũng là một yếu tố được xem xét, không chỉ phản ánh uy tín của doanh nghiệp mà còn cho thấy hành vi trả nợ đúng hạn.

- Mô hình kinh doanh và năng lực quản lý của doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc đánh giá tiềm năng phát triển dài hạn. Đầu tiên, ngân hàng quan tâm đến việc doanh nghiệp có mô hình kinh doanh rõ ràng và bền vững hay không.

Mô hình cần được mô tả cụ thể, cho thấy doanh nghiệp tạo ra giá trị và lợi nhuận như thế nào. Điều này bao gồm cả sự minh bạch về dòng tiền và phương pháp khai thác các nguồn lực để mang lại lợi nhuận. Tiếp theo là khả năng cạnh tranh trên thị trường, như vị trí trong ngành và các điểm mạnh giúp doanh nghiệp nổi bật so với đối thủ. Khả năng cạnh tranh mạnh mẽ giúp ngân hàng có thêm niềm tin vào khả năng phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.

Ngoài ra, một đội ngũ quản lý có kinh nghiệm cũng là điểm cộng lớn. Ngân hàng đặc biệt chú trọng đến hồ sơ của những người lãnh đạo, đánh giá sự hiểu biết của họ về ngành nghề và khả năng điều hành hiệu quả.

- Phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để ngân hàng xác định khả năng hoàn trả vốn vay của doanh nghiệp. Một phương án kinh doanh thuyết phục đòi hỏi tính chi tiết và khả thi, cần được xây dựng kỹ lưỡng với kế hoạch tài chính cụ thể, bao gồm dự báo doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong tương lai. Điều này cho phép ngân hàng nắm bắt được lộ trình phát triển của doanh nghiệp và đánh giá xem doanh nghiệp có đủ khả năng tạo ra nguồn tiền ổn định để trả nợ hay không.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm đến việc phân tích rủi ro và phương án dự phòng. Doanh nghiệp cần chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình kinh doanh và đưa ra các biện pháp ứng phó cụ thể. Mục tiêu tài chính rõ ràng là điều không thể thiếu trong một phương án kinh doanh. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, và phát triển thị trường cần có tính thực tế, phù hợp với năng lực nội tại của doanh nghiệp và bối cảnh thị trường.

- Tài sản đảm bảo, bây giờ mới xuất hiện và đóng vai trò như một thành phần quan trọng giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng khi xét duyệt các khoản vay. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh SMEs thường không có lịch sử tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm cao, đặc biệt là 3 yếu tố đầu tiên của doanh nghiệp hơi lỏng lẻo so với kỳ vọng của ngân hàng.

Trước tiên, giá trị của tài sản đảm bảo phải đủ lớn, thậm chí vượt quá giá trị khoản vay càng tốt. Các ngân hàng thường có tỷ lệ tài trợ dựa trên giá trị của tài sản thế chấp, vì vậy, giá trị này là tiêu chí then chốt trong việc duyệt hồ sơ vay vốn.

Thứ hai, khả năng thanh khoản của tài sản cũng rất quan trọng. Ưu tiên những loại tài sản dễ dàng thanh lý, có thị trường mua bán sôi động. Tính pháp lý của tài sản phải minh bạch và rõ ràng, quyền sở hữu rõ ràng và không có tranh chấp để tránh các vấn đề pháp lý có thể phát sinh.

- Tính minh bạch của thông tin, thể hiện qua việc báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần được lập đúng quy định, phản ánh trung thực tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp nên cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, giúp tăng tính minh bạch và độ tin cậy trong mắt ngân hàng. Tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài sản, nợ và vốn của doanh nghiệp phải được cung cấp đầy đủ và chính xác. Đặc biệt, lịch sử hoạt động của doanh nghiệp cũng cần được trình bày rõ ràng. Điều này bao gồm các giao dịch tài chính lớn, sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, hay thay đổi trong chiến lược kinh doanh.

Chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn rất thấp. Tổng nợ vay của SMEs thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn (nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước) nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.

(*) Chuyên gia kinh tế, tài chính tại Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, CEO UniCoach

Khánh Hưng ghi

Võ Nhật Khánh Hà (*)