Văn hóa nghệ thuật

Khởi nghiệp âm nhạc cần những gì?

TS - Nhạc trưởng Nguyễn Bách (*) 25/10/2024 16:00

Muốn dấn thân vào công nghiệp âm nhạc, phải hiểu những quy tắc cơ bản của tinh thần khởi nghiệp theo nghĩa doanh chủ, chứ không chỉ đơn thuần là khởi đầu một việc kinh doanh mới theo nghĩa startup. Đây là một ngành công nghiệp thiên về sáng tạo nên có nhiều điều cần phải quan tâm.

Khởi nghiệp (startup) và tinh thần doanh chủ (entrepreneurship) thường được hiểu và dùng như hai thuật ngữ giống nhau, thậm chí thay thế nhau. Nhưng thật ra entrepreneur có phạm trù rộng hơn startup. Có những startup có thể là entrepreneur, nhưng ngược lại thì không phải lúc nào cũng đúng.

Tinh thần doanh chủ

Để thực hiện một startup, cần có những ý tưởng độc đáo, mới lạ, dẫn đến việc cần huy động nhiều nguồn vốn, lợi nhuận không nhiều trong giai đoạn đầu và thường gặp không ít rủi ro, thất bại. Trong khi đó, yêu cầu của một entrepreneur không nhất thiết phải có nhiều đổi mới, sử dụng nguốn vốn của chính mình hoặc vay ngân hàng, mau có lợi nhuận hơn, ít rủi ro hơn. Đó là những điểm khác nhau chính.

Nhà sản xuất nhạc, bầu show, sáng tác ca khúc, soạn nhạc, kỹ sư âm thanh, kỹ thuật phòng thu, DJ, mở trường nhạc… đều là doanh nhân.

Tinh thần doanh chủ là khả năng và sự sẵn sàng để phát triển, tổ chức và điều hành một doanh nghiệp kinh doanh, cùng với những rủi ro của nó để tạo ra lợi nhuận. Xét về mặt giáo dục, tinh thần doanh chủ có thể được huấn luyện cho người trẻ từ khi rời ghế trường trung học để bước vào môi trường đại học.

van-hoa-giai-tri_khoi-nghiep-am-nhac_hinh-2.jpg
Từ trái qua: PGS. TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, nhà báo Ngô Xuân Lộc - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, tháng 10/2024

Ví dụ, tại Trường Đại học Hoa Sen có 5 giá trị cốt lõi để huấn luyện, đào tạo sinh viên trong quá trình học tập đến khi ra trường, đó là tiêu chuẩn quốc tế, tôn trọng khác biệt, tinh thần doanh chủ, thực học - thực làm, trải nghiệm sống động. Trong đó, tinh thần doanh chủ được xây dựng và phát huy qua nhiều hoạt động như kết hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức workshop, sự kiện về sách và doanh nhân, tổ chức định kỳ những buổi đối thoại doanh nhân (entrepreneur talk)...

Kiến thức âm nhạc

Nhiều người cho rằng âm nhạc và doanh nghiệp là hai khái niệm không thể kết hợp với nhau. Cụ thể hơn, không có cái gọi là “doanh nhân âm nhạc” (music entrepreneur). Thật ra, những ai đang hoạt động trong lãnh vực sản xuất nhạc, “bầu show” âm nhạc, viết ca khúc, soạn nhạc, kỹ sư âm thanh, kỹ thuật phòng thu, DJ, thậm chí cả những người mở trường nhạc đều là doanh nhân không chỉ tạo nên sản phẩm, dịch vụ cho xã hội mà còn có chung những đặc điểm tiêu biểu.

Để phát triển việc kinh doanh âm nhạc (music entrepreneurship) lâu dài, ít gặp rủi ro như ở startup, doanh nhân cần được đào tạo để có kiến thức âm nhạc cần thiết, thậm chí được đào tạo âm nhạc bài bản được bên cạnh năng lực kinh doanh sáng tạo. Nếu không có kiến thức âm nhạc, một “bầu show” sẽ không khác gì một người “đứng giữa” nghệ sĩ biểu diễn và khán thính giả để hưởng lợi. Một kỹ thuật viên phòng thu sẽ chỉ là người biết vận hành máy chứ không thể là một người dùng máy móc để sáng tạo âm nhạc.

Công nghệ âm nhạc phát triển liên tục, nhất là trong thời đại nền tảng truyền thông xã hội thay đổi nhanh chóng do những biến đổi về công nghệ và văn hóa. Học tập thường xuyên qua trường lớp hoặc tự học giúp một doanh nhân âm nhạc đưa ra được những quyết định đúng đắn, phù hợp với xu hướng xã hội, từ đó phát triển việc kinh doanh âm nhạc để không chỉ cải thiện được doanh số mà còn góp phần giúp công chúng nâng cao trình độ thẩm mỹ. Một sản phẩm âm nhạc có ích và tồn tại lâu cần được phối hợp từ ba tác nhân: Sáng tạo, trình diễn (được giới thiệu) và thưởng thức (đánh giá).

van-hoa-giai-tri_khoi-nghiep-am-nhac_hinh-1(1).jpg
Entrepreneur talk lần hai năm 2023 có sự tham dự của Ban giám hiệu, giảng viên và sinh viên của Đại học Hoa Sen với một số doanh nhân nổi tiếng

Cho đến nay, nghề giáo dục âm nhạc ở nước ta mới chỉ dừng lại và khai thác hai tác nhân đầu và gần như bỏ quên tác nhân thưởng thức.

Kỹ năng âm nhạc

Muốn thành công trong công nghệ âm nhạc, cần phải có những kỹ năng âm nhạc riêng. Dù là ca sĩ, người viết ca khúc, người chơi nhạc cụ, người mở lớp dạy nhạc hoặc buôn bán nhạc cụ cũng phải đầu tư thời gian và nỗ lực phát triển tài năng. Trong hơn 40 năm hoạt động và giảng dạy âm nhạc, chúng tôi chưa gặp ai không hát được cả, nhất là với người Việt, bởi chỉ cần cao giọng lên nói tiếng Việt là rất gần với ca hát, chỉ có trường hợp hát chưa đúng kỹ thuật, chưa hay mà thôi. Học nhạc, luyện tập đều đặn và cộng tác với nhạc sĩ khác sẽ cải thiện kỹ năng âm nhạc.

Thương hiệu "độc lạ"

Trong một thị trường bão hòa, đôi lúc lộn xộn, xây dựng thương hiệu “độc lạ” là cần được xem xét khi tham gia vào công nghiệp âm nhạc. Bên cạnh đó, giữ được tính nhất quán về hình ảnh, thông điệp, giá trị cốt lõi còn giúp thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng (khán thính giả, học viên...).

Trong công nghệ âm nhạc ngày nay, xây dựng thương hiệu là vấn đề then chốt, qua đó phản ánh phong cách, tính cách riêng của doanh nhân âm nhạc. Xây dựng trang web, phát triển bộ nhận dạng, hoặc thiết lập phương tiện truyền thông xã hội… thường phải có khi muốn có một thương hiệu công nghiệp âm nhạc thành công.

(*) Giảng viên Trường Đại học Hoa Sen

Lấy đạo đức âm nhạc làm thương hiệu
Bàn đến đạo đức âm nhạc là nói đến mặt tốt, mặt xấu của sản phẩm, dịch vụ âm nhạc. Mặc dù ai cũng biết âm nhạc mang lại nhiều lợi ích cho con người, không chỉ để giải trí, thế nhưng ít người nhận ra tác hại của những hiện tượng xấu trong thị trường âm nhạc ngày càng phổ biến, đã và đang thao túng thị trường âm nhạc ngày nay.
Có thể đạt được sự nghiệp âm nhạc thành công mà không nhất thiết phải theo hình mẫu (tốt có, xấu có) đang tồn tại trong thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, đi tìm nét “độc lạ” cũng không có nghĩa là tránh hoàn toàn những điều tốt đẹp đã được người khác thực hiện. Người khác đã làm không có nghĩa là mình không thể làm tốt hơn.

TS - Nhạc trưởng Nguyễn Bách (*)