Kinh tế số

Công nghệ số trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của TP.HCM

Thanh An 22/10/2024 16:49

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 25% GRDP. Đến năm 2030, hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu trên được công bố tại lễ khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024 với chủ đề “Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM” diễn ra sáng 22/10.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2024 được tổ chức với mục tiêu tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến khích sự tham gia chuyển đổi số của người dân, chính quyền và doanh nghiệp.

Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2024 là hoạt động nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia chuyển đổi số của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết các bài toán quan trọng tại các lĩnh vực trọng yếu, cũng như phục vụ đời sống, xã hội.

deb5d8b3-32f3-4ae3-a513-4c22c46ffe93(1).jpg
Lễ khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, góp phần phát triển kinh tế số bền vững tại TP.HCM.

Đặc biệt, sự kiện năm nay có nhiều đổi mới, tăng cả về số lượng hoạt động và nội dung có chiều sâu hơn so với các năm trước. Trong đó, số lượng gian hàng triển lãm tăng từ 30 lên gần 50 gian hàng; số lượng phiên hội thảo tăng từ 4 phiên lên 7 phiên; số lượng báo cáo viên tăng từ 20 báo cáo viên lên hơn 30 báo cáo viên.

Bên cạnh đó, sự kiện còn có nhiều hoạt động như triển lãm công nghệ trưng bày những thành tựu, mô hình, nền tảng số từ các sở, ngành, địa phương; khu vực trải nghiệm các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực từ các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu của thành phố; quầy hỗ trợ đăng ký chữ ký số và thực hiện tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân thành phố; hoạt động kết nối doanh nghiệp...

Điểm nổi bật của sự kiện năm nay là chuỗi hội thảo gồm 1 phiên toàn thể và 6 phiên hội thảo chuyên đề, khai thác tiềm lực của các giải pháp, ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết các bài toán chuyển đổi số tại các lĩnh vực hạ tầng số, an toàn – an ninh thông tin, công nghệ vi mạch bán dẫn, du lịch bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI), văn phòng số, đô thị thông minh...

Qua các phiên thảo luận tại Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2024, ông Lâm Đình Thắng kỳ vọng các diễn giải, khách mời, đại biểu cùng tham gia tìm lời giải, giải pháp cụ thể đối với các vấn đề mà TP.HCM đang quan tâm.

Bên cạnh đó, thông qua sự kiện năm nay, Ban tổ chức mong muốn mang đến nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan để phát triển và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá, tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng.

Kinh tế số đóng vai trò quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững của TP.HCM. Thành phố vận dụng tối đa thẩm quyền để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số có tính vượt trội nhằm kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế của TP.HCM trong Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” nhằm đưa Thành phố trở thành 1 trong 5 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025.

lam-dinh-thang(1).jpg
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu

Ông Thắng cho biết để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian qua, TP.HCM đã tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trọng tâm: đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số dùng chung với quy mô toàn thành phố đảm bảo an toàn an ninh thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm như thương mại điện tử, giao thông vận tải, logistic, tài chính - ngân hàng, năng lượng, du lịch.

Cùng với đó, Thành phố cũng ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo ra không gian phát triển mới, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số thành phố, phát triển kinh tế số, xã hội hội số. Đồng thời, kiên trì xây dựng và phát triển nền tảng số là hạ tầng mới trên không gian mạng giải quyết nhanh các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của toàn thành phố.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ vận dụng tối đa thẩm quyền để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số có tính vượt trội. Cùng với đó, Thành phố sẽ vận dụng nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực có tính chiến lược như phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, nhất là công nghiệp bán dẫn, phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết Thành phố sẽ phát triển xã hội số, phổ cập kỹ năng số để người dân được tiếp cận kiến thức, trang bị khả năng để tham gia tích cực và thụ hưởng bình đẳng các thành quả trong quá trình chuyển đổi số, chung tay xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.

Thanh An