Thời sự

Ban hành tiêu chuẩn quốc gia về dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo

Bạch Khởi 22/10/2024 - 10:37

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 "Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu" để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị... tại Việt Nam.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, bên cạnh việc khai thác thế mạnh xuất khẩu các sản phẩm Halal, Việt Nam không thể bỏ quên các dịch vụ Halal, dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo như logistics, du lịch...

Điển hình như các nước xung quanh là Singapore, Thái Lan đã vươn lên trở thành những nước đón lượng khách du lịch Hồi giáo nhiều nhất thế giới (lần lượt là thứ nhất và thứ 5). Thị trường du lịch Halal được dự báo là sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh, con người thân thiện nhưng chúng ta hầu như chưa tham gia vào chuỗi cung ứng, phục vụ khách du lịch Hồi giáo. Một trong những nguyên nhân là chưa có tiêu chuẩn cho lĩnh vực này.

anh-t54-55-1.png
Thị trường du lịch Halal được dự báo là sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025

Do đó, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 "Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu" để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị... tại Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đây sẽ là một cú hích cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Cũng trong thời gian qua, xác định việc tiêu chuẩn hóa là một trong các biện pháp quan trọng nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Halal toàn cầu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giết mổ động vật theo Halal.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal, để tiến tới thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Đồng thời tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Do đó, với triển vọng phát triển ngành Halal của Việt Nam, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu các quy định về chứng nhận Halal, cách thức tiếp cận thị trường Halal toàn cầu. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm hiểu các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là Tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực Halal; chủ động đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc trong quá trình tìm hiểu hoặc tiếp cận thị trường Halal.

Bạch Khởi