Đầu tư

Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Việt Nam phát triển 3 trụ cột trọng điểm

Nguyễn An 18/10/2024 11:04

Việt Nam vừa nhận được khoản vốn vay có tổng giá trị lên tới 102,2 tỷ yen, chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân từ JICA Nhật Bản để phát triển 3 trụ cột hợp tác trọng điểm.

Ngày 17/10, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết các khoản vốn vay với tổng giá trị lên tới hơn 102 tỉ yen, tương đương 678 triệu đô la Mỹ, chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân.

Theo trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Sugano Yuichi, đây là mức vốn ODA cao nhất trong 6 năm qua, kể từ năm 2017. Trong đó, vốn hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỉ yen, tương đương 35 triệu đô la, quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khóa; viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỉ yen, tương đương 7,5 triệu đô la vốn cam kết.

Việc ký kết khoản vay vốn là định hướng chiến lược của JICA Nhật Bản khi Việt Nam hiện đang là nước đứng thứ hai thế giới với 9 dự án thuộc chương trình "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân" của JICA.

Theo đó, những chương trình và dự án của JICA đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Điều này còn tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.

bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2024-10-17-_22649d783a37d3698a26jpg-17291397107941324178463-0-0-437-700-crop-1729139757903644675325.jpg
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Sugano Yuichi (giữa) tại cuộc họp báo vào ngày 17/10

Được biết, JICA đang tập trung vào 3 trụ cột trọng điểm hỗ trợ Việt Nam gồm tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, trong trụ cột về "tăng trưởng chất lượng cao", nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở TP.HCM là dự án sử dụng nguồn vốn vay đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy vào tháng 8. Tại thời điểm khánh thành, đây là nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất Việt Nam và được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước, một vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 tại TP.HCM đang được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và thành phố đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác.

Trong trụ cột về "hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương", JICA đã phối hợp với chuyên gia cao cấp - cố vấn về quản lý rủi ro thiên tai được cử sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hỗ trợ ứng phó với cơn bão số 3 vừa đổ bộ vào khu vực phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sau khi bão đổ bộ, theo đề nghị của chính phủ Việt Nam, JICA đã kịp thời cung cấp hàng hóa viện trợ khẩn cấp bao gồm máy lọc nước và tấm trải nhựa cho quy mô 2.000 hộ ở tỉnh Yên Bái, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, đập Sabo giúp giảm thiểu rủi ro sạt lở đất đang được xây dựng từ tháng 9 tại tỉnh Sơn La.

Trụ cột cuối cùng là "Phát triển nguồn nhân lực": Năm 2024 đánh dấu 10 năm thành lập Đại học Việt Nhật. Ngày 12/10, tại Hòa Lạc đã tổ chức sự kiện kỷ niệm, các hoạt động giao lưu và hội thảo chuyên đề kỷ niệm 10 năm thành lập trường Đại học Việt Nhật.

Cùng với đó, trong Chương trình JICA Chair nhằm thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản, JICA đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) để biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên nhằm cung cấp một cách tổng quan về lịch sử quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, và dự kiến sách sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới.

Nguyễn An