Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Novaland công bố “thoái” bớt vốn tại doanh nghiệp đang đề xuất làm dự án 580 ha

Huyền Châm 17/10/2024 - 14:19

Việc giảm vốn của Novaland nằm trong kế hoạch mà tập đoàn đã thông báo hồi tháng 8/2024

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán NVL) vừa công bố thông tin quyết định của hội đồng quản trị thông qua giảm vốn góp tại CTCP Mekong Smart City.

Theo đó, Novaland quyết định giảm sở hữu vốn tại Mekong Smart City từ 9 tỷ đồng xuống còn 6,4 tỷ đồng với hình thức là Mekong Smart City sẽ hoàn trả một phần vốn góp cho các cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông.

Qua việc giảm vốn, Novaland nhận về 2,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, Novaland sẽ sở hữu 642.546 cổ phần phổ thông, tương đương mệnh giá 6,4 tỷ đồng, chiếm 7,98% cổ phần của Mekong Smart City.

CTCP Mekong Smart City được thành lập vào tháng 10/2020, có trụ sở tại ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này là kinh doanh bất động sản.

Khi thành lập, CTCP Mekong Smart City có tên là CTCP Nova Hồng Ngự với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, Nova Group sở hữu 84%, Novaland sở hữu 15%, và ông Dương Hồng Cẩm nắm giữ 1%. Đến tháng 4/2022, doanh nghiệp đổi tên thành Mekong Smart City như hiện tại.

Ngày 6/6/2022, CTCP Mekong Smart City đã gửi công văn đến tỉnh Đồng Tháp về việc xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng tại cồn Đông Giang rộng 580 ha trên địa bàn TP. Sa Đéc.

Đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với doanh nghiệp để nghe báo cáo ý tưởng quy hoạch. Đại diện Mekong Smart City đề cập, cồn Đông Giang sẽ được quy hoạch với diện tích khoảng 1.215 ha, bao gồm khu đô thị du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái nông nghiệp; đô thị thể thao giải trí kết hợp chăm sóc sức khỏe – trị liệu; đô thị giáo dục – đào tạo và đô thị sáng tạo.

Trong giai đoạn một, Nova Group sẽ tham gia đấu giá trên quỹ đất sạch có sẵn để phát triển các dự án Khu đô thị Blue Dragon, Làng nghề Bùi Thanh Thủy và Cồn Chính Sách, với vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

mekong-smart-city.png
Tổng thể khu đô thị Mekông Smart City

Việc giảm vốn trên của Novaland nằm trong kế hoạch mà tập đoàn đã thông báo hồi tháng 8/2024, nhắm vào các công ty có dự án đã hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng; chưa có kế hoạch triển khai dự án mới; giảm vốn không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu, không ảnh hưởng đến dòng tiền kinh doanh và dự án.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản Tập đoàn đạt 238.800 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm. Tuy nhiên, tiền mặt giảm mạnh xuống còn gần 850 tỷ đồng, và khoản tương đương tiền còn 1.300 tỷ đồng. Tổng giá trị hai khoản mục này chiếm chưa tới 1% tổng tài sản của Tập đoàn.

Trong khi đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu đã tăng lên, lần lượt đạt 144.000 tỷ đồng và hơn 76.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn Novaland cũng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, gồm vay nợ tài chính lên tới 59.200 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu đạt 38.400 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm, Tập đoàn ghi nhận mức lỗ sau thuế hợp nhất cao kỷ lục 7.327 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 345 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Liên quan đến các khoản nợ trái phiếu, Novaland cho biết tập đoàn đã được một số thỏa thuận tái cấu trúc ban đầu đối với các khoản nợ trái phiếu với tổng số tiền hơn 17.300 tỷ đồng. Ngoài ra, ban lãnh đạo tập đoàn cũng kỳ vọng có thể được giải ngân thêm hạn mức tín dụng gần 12.500 tỷ đồng trong 12 tháng tiếp theo.

Việc gặp khó khăn về tài chính khiến kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Novaland lên kế hoạch thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Cụ thể, mới đây, Novaland cho biết đang tiến hành thanh lý tài sản với tổng số tiền theo giá bán dự kiến hơn 25.400 tỷ đồng, tương đương 1,02 tỷ USD.

Tập đoàn thông tin đã chào bán 15 tài sản trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, tập đoàn đã bán thành công một tài sản và thu về 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Novaland đã ký các hợp đồng nguyên tắc bán 7 tài sản với tổng trị giá trên 12.360 tỷ đồng; đồng thời ký các biên bản ghi nhớ bán 3 tài sản khác có tổng trị giá khoảng 9.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã nhận được các thư đề nghị mua 3 tài sản với tổng trị giá gần 2.000 tỷ đồng.

Đối với các sản phẩm đã và đang bán tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, Grand Manhattan, Novaland cho biết đang phối hợp với Chính phủ cùng các cơ quan chức năng địa phương để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý nhằm hoàn thành kế hoạch bán hàng trong tháng 12 tới.

Hồi tháng 4 năm nay, Tập đoàn cũng đã bán hết vốn tại CTCP Huỳnh Gia Huy. Đây là chủ đầu tư tại dự án NovaHills Mui Ne Resort & Villas (Centana Mirage Resort Mui Ne) gồm 603 biệt thự biển ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Novaland nhấn mạnh các nỗ lực bán tài sản trên đều nhằm tái cấu trúc dòng tiền để có đủ nguồn lực tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Việc khó khăn về tình hình tài chính khiến giá cổ phiếu Novaland gặp khó. Kết thúc phiên sáng nay (17/10), thị giá NVL đang giao dịch ở sát mệnh giá 10.000 đồng/CP. Đây là mức giá thấp kỷ lục kể từ khi Novaland chào sàn tháng 12/2016.

Huyền Châm