Việt Nam vừa khai trương mạng 5G
Viettel vừa tuyên bố là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp mạng 5G, phủ sóng tại 63 tỉnh, thành.
Ngày 15/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương mạng 5G, trở thành nhà mạng di động đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thương mại dịch vụ 5G với hơn 6.500 trạm thu phát sóng (BTS), phủ sóng 100% khu vực của 63/63 tỉnh, thành phố. Hiện người dùng có thể trải nghiệm 5G miễn phí của nhà mạng này.
Mạng 5G Viettel triển khai trên cả nền tảng 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone). 5G SA là mạng 5G thực sự, đáp ứng yêu cầu độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, phù hợp cho các ứng dụng như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, lớp học thực tế ảo.
Viettel đã phát triển các open APIs theo chuẩn GSMA để hỗ trợ cộng đồng phát triển ứng dụng. Viettel cũng công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau cho khách hàng cá nhân, với dịch vụ lưu trữ Cloud và TV360 4K miễn phí. Khách hàng doanh nghiệp được cung cấp hơn 130 user cases tích hợp công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettelm, cho biết, dơn vị đã đưa Việt Nam gia nhập Top 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, chỉ sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc ra mắt dịch vụ 5G là hành trình tiên phong, bứt phá về di động của Việt Nam.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 5G trong các ngành là yếu tố tiên quyết để triển khai toàn diện 5G tại Việt Nam.
Mạng 5G cũng có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Dự báo trong 5 năm tới, mạng 5G sẽ chiếm hơn 50% thuê bao di động tại Việt Nam, phủ sóng các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay trên cả nước.
Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã đặt mục tiêu người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, thuận tiện, dễ dàng, không giấy tờ và không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Việc phát triển chính phủ điện tử, Chính phủ số được xác định phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn để từ đó phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Vì vậy, 5G cũng cần thể hiện mạnh mẽ vai trò kết nối để phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.