Thời sự

TP.HCM thúc đẩy quá trình giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2024

Thanh An 17/10/2024 10:11

UBND TP.HCM vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ và các sở ngành Thành phố về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Năm 2024, TP.HCM được Chính phủ giao hơn 79.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách địa phương hơn 75.570 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hơn 3.680 tỷ đồng.

Theo số liệu rà soát sơ bộ của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, đến hết ngày 11/10, tổng số vốn Thành phố đã giải ngân là hơn 16.787 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,2%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là hơn 1.154 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,3% trên tổng kế hoạch vốn giao; vốn ngân sách địa phương giải ngân là hơn 15.632 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,7% trên tổng kế hoạch vốn giao.

UBND TP.HCM nhìn nhận, việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2024 chưa đạt như kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, các cấp chính quyền Thành phố đã đề ra những giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể và đang tiếp tục bám sát để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

Theo UBND TP.HCM, việc chậm giải ngân trong 9 tháng đầu năm chủ yếu do 5 nhóm nguyên nhân chính. Trong đó, do đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố. Khoảng trên 49% số vốn đầu tư công trung hạn của Thành phố mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện từ tháng 9/2023 thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác.

Điều này dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn. Trong tổng số hơn 249.952 tỉ đồng vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì có 142.557 tỉ đồng được Thủ tướng giao từ đầu kỳ và hơn 107.395 tỉ đồng được HĐND TP.HCM bổ sung tăng thêm từ cuối năm 2023.

thanh_pho_ho_chi_minh_2_5daa5c61.jpg
Việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2024 chưa đạt như kế hoạch đã đề ra

Đối với các dự án thuộc danh mục các dự án được giao từ đầu kỳ, Thành phố đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và hiện đang giải ngân đúng theo tiến độ đã đề ra. Còn các dự án thuộc danh mục các dự án được giao vốn bổ sung từ cuối năm 2023 từ mức vốn trung hạn bổ sung của Thành phố (hơn 107.395 tỷ đồng) thì giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025, Thành phố mới có thể đẩy mạnh được việc giải ngân.

Cạnh đó là việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của Thành phố rất lớn, tính chất của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỷ lệ giải ngân…

Nhận diện được các vướng mắc hiện nay, TP.HCM đã rà soát và điều chỉnh cập nhật lại dự kiến tỷ lệ giải ngân trong các tháng còn lại và phấn đấu giải ngân tháng 10 từ 38,4% trở lên; tháng 11 là 45,1% trở lên; tháng 12 từ 85,9% trở lên. Và đến hết 31/1/2025 (thời điểm kết niên hạn giải ngân đầu tư công năm 2024) là từ 94,6% trở lên.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng tiếp tục chỉ đạo các sở chuyên ngành và các địa phương tập trung xử lý các vướng mắc, tồn tại trong phạm vi thẩm quyền của Thành phố để thúc đẩy việc giải ngân các tháng còn lại.

Để hỗ trợ cho việc thúc đẩy giải ngân, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đầu tư công năm 2024 (Luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó quan tâm, xem xét các ý kiến góp ý của Thành phố tại Công văn 4144/2024, Công văn 13476/2024 và các nội dung tại phiếu ý kiến theo Công điện 106/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ liên quan các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể dự án Thành phần 1 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục liên quan để bắt đầu cung cấp cát, đảm bảo nguồn cung cấp cho dự án theo tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), UBND TP.HCM đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất của UBND TP.HCM. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy quá trình tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Thanh An