Start up

Xây dựng đại học khởi nghiệp: Giảng viên cần tiên phong đổi mới

Th.S. Hoàng Thị Thoa (*) 13/10/2024 16:30

Với các trường đang chuyển mình mạnh mẽ để theo đuổi mô hình đại học khởi nghiệp, vai trò của giảng viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức hay nghiên cứu khoa học đơn thuần…

h2-ts.-hoang-thi-thoa.jpg
Th.S. Hoàng Thị Thoa

Mô hình trường đại học khởi nghiệp có tiềm năng và vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia. Trường đại học khi ấy sẽ có thêm nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành doanh nghiệp startup, spin-off thay vì chỉ có hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu. Trường đại học hướng đến mục tiêu này không những tạo được sự đổi mới trong mọi hoạt động của trường mà còn đáp ứng được chuẩn đầu ra đã cam kết với sinh viên.

Đội ngũ giảng viên cần tiên phong đổi mới

Khi hướng tới mô hình trường đại học khởi nghiệp, cần sự chung tay của rất nhiều nguồn lực từ trường đại học thì mới có thể cho ra doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành công. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các giảng viên, những người cũng thực sự phải tiên phong “khởi nghiệp” cùng các dự án của sinh viên. Chỉ khi giảng viên sẵn sàng chuyển mình, họ mới có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho sinh viên, góp phần xây dựng thế hệ doanh nhân tương lai.

Giảng viên khi đó cần trang bị kỹ năng cố vấn (coaching) để có thể hỗ trợ sinh viên không chỉ trong học tập mà còn trên hành trình khởi nghiệp và phát triển cá nhân. Trong bối cảnh mà sinh viên không còn chỉ đi học để lấy tấm bằng, mà họ tìm kiếm những kỹ năng để xây dựng sự nghiệp và tự tạo ra cơ hội cho mình, giảng viên đóng vai trò như những người dẫn dắt. Họ phải biết cách khơi dậy tiềm năng của sinh viên, định hướng và đưa ra những lời khuyên hữu ích dựa trên từng trường hợp cụ thể. Điều này đòi hỏi giảng viên không chỉ là người thầy mà còn là người đồng hành, người cố vấn đáng tin cậy.

Thứ hai, thầy cô hiện nay cần tăng cường sợi dây kết nối với các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp. Một giảng viên thành công trong vai trò này cần không ngừng mở rộng mạng lưới quan hệ với doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong ngành. Họ có trách nhiệm đưa những yêu cầu thực tiễn từ thị trường vào bài giảng, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc ngoài đời thực và từ đó tự tin hơn khi khởi nghiệp. Đồng thời, giảng viên còn có thể là cầu nối giúp sinh viên tiếp cận các nguồn vốn, chương trình ươm tạo khởi nghiệp và các cơ hội thực tập…

Ngoài ra, giảng viên còn phải liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy để thích nghi với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế. Những buổi học truyền thống cần được thay thế bằng các hoạt động tương tác, làm việc nhóm và nghiên cứu thực tiễn để sinh viên có thể phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần khởi nghiệp.

Bắt đầu chú trọng phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cách đây 5 năm, lãnh đạo Trường Đại học Công Thương TP.HCM (HUIT) đã tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia nhiều chương trình đào tạo nguồn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp cho thầy cô có những thông tin tổng thể về bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho đến các kiến thức và kỹ năng cụ thể.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của Trường cũng lập ra các tổ chức phụ trách các hoạt động cụ thể để hỗ trợ giảng viên và sinh viên, như tổ khởi nghiệp sáng tạo phụ trách kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án, phát triển hệ sinh thái; tổ quan hệ doanh nghiệp phụ trách kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo cơ hội hợp tác cùng phát triển…

Thông qua Trung tâm, mỗi khoa đều có giảng viên là đầu mối cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm nắm bắt liên tục để hỗ trợ kịp thời cho giảng viên và sinh viên tham gia trực tiếp vào các nhóm dự án.

Cần cơ chế hỗ trợ

Mặc dù giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cân bằng thời gian giữa giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu những cơ chế, quy định rõ ràng về thời gian dành cho hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, không có quy định định lượng cụ thể nào về việc giảng viên phải dành bao nhiêu thời gian cho công tác hỗ trợ khởi nghiệp, khiến họ khó có thể phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các nhiệm vụ.

h1-cuoc-thi-sinh-vien-cong-thuong-voi-y-tuong-khoi-nghiep-duoc-to-chuc-thuong-nien.jpg
Cuộc thi sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức thường niên

Hơn nữa, hỗ trợ khởi nghiệp của giảng viên chưa được chính thức đưa vào chức năng, nhiệm vụ chính của họ. Do đó, họ thiếu các tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra cụ thể, gây khó khăn trong việc xác định mức độ hoàn thành công việc và cống hiến của giảng viên trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ làm giảm động lực tham gia của giảng viên mà còn khiến các hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học khó đạt hiệu quả như mong đợi. Mặc dù, theo kinh nghiệm quan sát, đa phần giảng viên đều sẵn sàng hỗ trợ sinh viên. Nhiều thầy cô sẵn sàng giảng dạy môn học khởi nghiệp 10 tiết, dành thêm 5 tiết để xem thi, mặc dù thời gian 5 tiết này không được tính vào giờ giảng dạy…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, việc sớm ban hành các quy định về thời gian và trách nhiệm là điều vô cùng cần thiết. Ví dụ, có thể quy định 50% thời gian để giảng dạy, 50% thời gian để nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cần sớm cụ thể hóa các nhiệm vụ liên quan đến khởi nghiệp, đưa vào chức năng, nhiệm vụ của giảng viên, đi kèm tiêu chí đánh giá kết quả rõ ràng.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế… cũng là rào cản lớn. Giảng viên thường phải tự tìm kiếm các nguồn tài trợ hoặc kết nối với doanh nghiệp để duy trì các dự án khởi nghiệp, điều này làm tăng áp lực và giảm sự tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu. Cần có cơ chế thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ngay trong trường đại học. Những quỹ này có thể được hỗ trợ bởi doanh nghiệp tư nhân - nơi có sẵn nguồn lực cũng như nhu cầu lớn, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tiếp cận đa dạng các nguồn tài chính nhằm phát triển dự án khởi nghiệp tiềm năng.

(*) Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp,
Trường Đại học Công Thương TP.HCM

Khánh Hưng (ghi)

Sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp mà còn giúp xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường, tạo ra giá trị thực tiễn cho xã hội.

Th.S. Hoàng Thị Thoa (*)