Nghề buôn nhạc, tại sao không?
Người ta vẫn buôn tranh, bán tượng, thậm chí đưa chúng lên cả sàn đấu giá. Vậy tại sao không thể coi âm nhạc như một sản phẩm kinh doanh? Nên có cách nhìn và thái độ nào cho phù hợp?
Như hội họa, điêu khắc, âm nhạc vẫn được xem là một nghệ thuật vì nó biểu lộ cảm xúc, cách biểu hiện và óc sáng tạo. Âm nhạc khoác trên mình chiếc áo thần linh của một trong 9 nữ thần Muse (thần thoại Hy Lạp) hay nhiệm vụ thiêng liêng của Jubal (Kinh Thánh xem là tổ phụ của những người chơi đàn, thổi sáo) nên có vẻ “chướng tai” khi chúng ta đề cập đến nghề buôn nhạc.
Không học vẫn có thể kiếm tiền từ âm nhạc
Môn học về tiếp thị cho chúng ta biết rằng, sản phẩm là sự kết hợp của hàng hóa và dịch vụ. Qua nhiều thập niên, tại nước ta, việc kiếm tiền từ các “mặt hàng âm nhạc” bằng những dịch vụ ngày càng hiện đại, thông minh đang là một công việc kinh doanh thiếu (nên khó) kiểm soát. Nói đơn giản hơn, nghề “buôn nhạc” đang phất lên một cách lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp. Người ta chỉ cần có tiền, có nhà đầu tư, khai thác tốt công nghệ là có thể đưa một sản phẩm âm nhạc đến công chúng mà không cần học cách làm nên hàng hóa hay quy tắc kinh doanh của một dịch vụ.
Mặt tốt của nghề này là làm cho không ít ca sĩ, nhạc sĩ không tên hoặc “thường thường bậc trung” được nhiều người biết đến một cách nhanh chóng bất ngờ nhờ vào kết quả “triệu view”, nhiều “bình chọn từ công chúng”. Qua đó, họ trở thành những doanh nhân với thu nhập “khủng”, thậm chí được các nhà đài tôn vinh là đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Cho đến nay ít có sản phẩm âm nhạc thị trường, những bản “hit” nào của ca sĩ, nhạc sĩ có tuổi thọ quá 5 năm.
Thực ra, một trong những hậu quả khôn lường do tính thiếu chuyên nghiệp, tình trạng lộn xộn của nghề này là hình thành nên thẩm mỹ âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung trong công chúng, đặc biệt giới trẻ.
Ở Đức, với nghề ít nhân viên nhất như lái taxi, nếu không muốn làm thuê cho người khác, ngoài việc phải có bằng lái xe hơi, đặc biệt xe taxi, còn cần phải theo một khóa học do chính quyền tổ chức để được giấy chứng nhận, gọi nôm ra là “bằng làm chủ”. Trong một cửa hàng bán bánh mì, người ta thường thấy treo một bằng chuyên ngành (hoặc liên quan) đến việc làm bánh cùng với một “bằng làm chủ”. Ở Việt Nam có nhiều việc kinh doanh không đòi hỏi như vậy, trong đó có nghề kinh doanh âm nhạc. Người đứng ra kinh doanh cần có tiền hơn là chuyên môn âm nhạc. Gần như không thấy bầu show nào có bằng cấp hay được đào tạo về âm nhạc.
Đa số những người làm việc liên quan đến sản xuất âm nhạc (phòng thu âm, điều chỉnh âm thanh, sử dụng vi tính vào âm nhạc...) lại ít có kiến thức nền tảng cần thiết về âm nhạc. Khi ra nghề họ chỉ cần tìm cách huy động vốn, trang bị máy móc, thiết bị càng hiện đại càng dễ “bắt mắt” với khách hàng. Nếu ở nước ngoài, một người làm công việc mixing, mastering (trộn tiếng, làm bản thu âm gốc trong phòng thu) thường phải được trang bị kiến thức như một nhạc sĩ được đào tạo bài bản và thông thạo về phần mềm, máy móc, thiết bị như một kỹ thuật viên thì ở nước ta, người đó chỉ cần rành rẽ về cách sử dụng phần mềm, vận hành máy móc.
Khái niệm công nghiệp âm nhạc (music industry) có nguồn gốc từ cuối thế kỷ XIX, khi các nhà phát minh bắt đầu tìm cách nắm bắt và tái tạo âm thanh. Đó là máy ghi sóng âm (nhưng chưa thể phát lại) do Édouard-Léon Scott de Martinville phát minh tại Pháp vào 1857. Những máy ghi âm và có thể phát lại được (record player) ra đời sau khi Thomas Edison chế tạo thành công thiết bị đầu tiên đảm nhận được cả hai chức năng thu - phát lại.
Hai mươi năm sau, Emile Berliner (người Đức gốc Do Thái) đã làm ra chiếc micro đầu tiên trong khi ông đang nghiên cứu về điện thoại do Alexander Graham Bell phát minh trước đó, vào năm 1876. Sự ra đời của micro là một cuộc cách mạng về tiến trình sản xuất âm nhạc và làm công nghiệp âm nhạc phát triển.
Cần tiếp cận âm nhạc như một công việc kinh doanh
Ở các trường nhạc trên thế giới, ngành kinh doanh âm nhạc hay quản trị âm nhạc đào tạo nên những doanh nhân âm nhạc đúng nghĩa qua các nội dung như sáng tác và sản xuất ca khúc, tác quyền âm nhạc, cấu trúc của công nghệ sản xuất âm nhạc, cách tổ chức các buổi hòa nhạc và chuyến lưu diễn âm nhạc, hàng hóa âm nhạc (merchandise) và những thứ liên quan như quảng bá trên áp phích, biểu ngữ... Ngoài ra họ còn cung cấp cả kiến thức cần thiết về nhạc kinh điển (classical) và nhạc dùng trong phim. Ở nước ta, những kiến thức cần thiết này vẫn đang trôi nổi, chưa được đào tạo chính quy, kể cả các cơ sở giáo dục công hay tư.
Chúng ta vẫn có thể mang được nhiều sản phẩm âm nhạc nghệ thuật thật sự đến với công chúng thay vì chỉ chăm lo sao cho tăng view, nhiều bình chọn.
Cùng với những tiến bộ chóng mặt của khoa học, ngành công nghiệp âm nhạc phát triển nhảy vọt đáng kể và đáng lo. Nó có thể mang lại cho người hoạt động âm nhạc, doanh nhân âm nhạc thu nhập thăng hoa, thoải mái trong năm nay nhưng có thể lấy đi tất cả vào những năm tiếp theo. Cho đến nay ít có sản phẩm âm nhạc thị trường, những bản “hit” nào của các ca sĩ, nhạc sĩ có tuổi thọ quá 5 năm, thậm chí chỉ được rộ lên trong vài năm đầu rồi chìm vào quên lãng ngoại trừ thỉnh thoảng được các kênh radio phát theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Chúng ta cũng chứng kiến thời hoàng kim ngắn ngủi và nhanh chóng vụt tắt của các CD, DVD khi môi trường mạng xã hội phát triển. Nói như thế, chúng tôi không muốn đưa ra nhận định, cách nhìn tiêu cực cho nghề buôn nhạc (hay việc kinh doanh âm nhạc).
Như trong một cuộc chơi, nếu chơi đúng luật, tạo ra những Kết nối phù hợp và lập kế hoạch chính xác, chúng có nhiều khả năng đạt được một sự nghiệp thành công lâu dài. Trong thời gian qua, sự thưởng thức âm nhạc, khả năng đánh giá âm nhạc của công chúng bị công thức “đánh giá qua bình chọn của khán giả” vô hiệu hóa. Ở nước ngoài, những đánh giá của công chúng được lưu tâm một cách chính xác và công bằng hơn, họ gọi là People choice (giải bình chọn của khán giả) chứ không đưa vào thành một tiêu chí thẩm định giá trị nghệ thuật như nhiều nơi ở nước ta đang làm. Chúng ta vẫn có thể mang được nhiều sản phẩm âm nhạc nghệ thuật thật sự đến với công chúng thay vì chỉ chăm lo sao cho tăng view, nhiều bình chọn. Vấn đề là sự cân bằng giữa loại hình nghệ thuật âm nhạc và việc kinh doanh âm nhạc.
Để trở thành một nhạc sĩ hay người hoạt động dành hết thời gian với âm nhạc một cách thành công và có những đóng góp giá trị cho xã hội, chúng ta cần học cách tiếp cận âm nhạc như một công việc kinh doanh. Chúng ta phải thực hiện nó một cách nghiêm túc, cống hiến hết mình và học tất cả những gì có thể về âm nhạc.
Thế giới kinh doanh có thể đáng sợ đối với một số nghệ sĩ, nhưng nhìn vào thực tế, chúng tôi thấy mọi hoạt động kinh doanh gần như xoay quanh ba khái niệm sau:
- Xác định nhu cầu hoặc mong muốn của mọi người;
- Phát triển một sản phẩm đáp ứng nhu cầu hoặc mong muốn đó;
- Tiếp thị sản phẩm tới những người cần hoặc mong muốn nó.
Nhạc sĩ hay người hoạt động âm nhạc đừng quên sự thật “đắng lòng” này: Người ta thường đổ xô tìm đến những mặt hàng rẻ tiền, giảm giá mà quên đi khả năng bị lừa! Đó là điểm khác nhau giữa “con buôn” và “người kinh doanh”.