Chuyện làm ăn

Thử thách "đỏ" cho khu công nghiệp "xanh"

Hồng Nga 14/10/2024 07:00

Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành mục tiêu toàn cầu, Việt Nam đang bước vào “cuộc đua” xây dựng các khu công nghiệp sinh thái nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với các rào cản về pháp lý và tài chính.

Trên thế giới, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được chứng minh là giải pháp hữu hiệu giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN trong bối cảnh thị trường ngày càng chú trọng đến các giải pháp bền vững. Tại Việt Nam, với sự gia tăng áp lực từ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái cũng đang được chú trọng. Các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm.

Đầu tư theo tiêu chuẩn mới chưa nhiều

Theo ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển các KCN sinh thái là giải pháp tối ưu nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống. Hơn nữa, các KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của nhà đầu tư FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Xu hướng là vậy, nhưng trên thực tế, số KCN đầu tư theo tiêu chuẩn mới, sinh thái chưa nhiều. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã có 425 KCN được thành lập, trong đó 299 khu đã đi vào hoạt động, chiếm diện tích hơn 92 nghìn ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1-2% các KCN tại Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Sự chậm trễ này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình công nghiệp truyền thống sang sản xuất xanh.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty CP Shinec, đơn vị sở hữu KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, cho rằng xây dựng KCN sinh thái không chỉ là trách nhiệm đối với môi trường mà còn là chiến lược dài hạn để các DN nâng cao vị thế cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, DN phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ quy trình pháp lý đến chi phí đầu tư.

chuyen-thuong-truong_kcn-sinh-thai.jpeg
Nam Cầu Kiền, một trong số ít những KCN tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu phát thải

Qui định pháp lý mà nói chung chung là "sạch hơn"

Một trong những rào cản lớn nhất với các DN khi muốn chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái là sự thiếu đồng bộ và rõ ràng trong các quy định pháp lý. Mặc dù Nghị định 35/2022/ NĐ-CP đã được ban hành để điều chỉnh hoạt động của các KCN, nhưng những quy định chi tiết về tiêu chuẩn “sạch hơn” và các tiêu chí hợp tác giữa các DN trong khu vẫn còn chưa rõ ràng. Điều này tạo ra sự lúng túng trong việc xác định các tiêu chí và quy trình để đạt được chứng nhận KCN sinh thái. Hơn nữa, quy trình thẩm định các KCN sinh thái yêu cầu phải thông qua nhiều bộ ngành, gây tốn kém thời gian và làm mất đi nhiều cơ hội của DN.

Ông Điệp cho biết, để có KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, Công ty đã phải trải qua một quy trình xin cấp phép môi trường phức tạp và kéo dài. Việc phải thẩm định qua nhiều cơ quan làm tăng chi phí, gây ra sự trì trệ và khiến DN gặp nhiều rủi ro. Để phát triển KCN sinh thái, rất cần một khung pháp lý rõ ràng hơn, không chỉ về tiêu chuẩn môi trường mà còn về quy trình thẩm định và cấp phép. Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí “sạch hơn” khiến nhiều DN bối rối trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Các DN cần được hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng tài nguyên tái tạo, giảm thiểu phát thải và hợp tác với các DN khác trong KCN để tối ưu hóa việc sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra.

Không chỉ khó khăn về mặt pháp lý, chi phí đầu tư cao cũng là một trở ngại lớn khiến nhiều DN e ngại khi chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Theo ước tính, chi phí xây dựng hạ tầng cho một KCN sinh thái thường cao hơn ít nhất 20% so với một KCN truyền thống. Điều này khiến nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, không đủ khả năng tài chính để thực hiện các dự án chuyển đổi. Vậy nhưng, Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể cho các DN muốn chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Việc thiếu các gói tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi thuế đang làm giảm sự hấp dẫn của các dự án này đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế.

20 % là mức cao so với khu công nghiệp truyền thống khi xây dựng hạ tầng cho khu công nghiệp sinh thái. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để thực hiện chuyển đổi.

Cần hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ trong cả khung pháp lý và cơ chế tài chính. Trước hết, Chính phủ cần hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các DN về việc thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và tối ưu hóa tài nguyên. Ngoài ra, cần phải đơn giản hóa quy trình thẩm định và cấp phép môi trường, giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN. Về mặt tài chính, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn, như các gói tín dụng xanh và ưu đãi thuế cho DN đầu tư vào KCN sinh thái. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi.

Theo các chuyên gia, hợp tác giữa các DN trong một KCN là yếu tố then chốt để thành công. "Việc chia sẻ tài nguyên và hợp tác sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng cường hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây là mô hình mà chúng tôi đã áp dụng tại KCN Nam Cầu Kiền, và đã mang lại kết quả rất tích cực", ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Xu thế phát triển KCN sinh thái là điều tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự đồng lòng từ cả phía Chính phủ và DN. Khung pháp lý cần được cải thiện để rõ ràng và đồng bộ hơn, trong khi đó, các cơ chế tài chính ưu đãi cũng cần được thiết lập để khuyến khích DN tham gia vào quá trình chuyển đổi. Nếu giải quyết được những bất cập hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế xanh với những KCN sinh thái làm trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Hồng Nga