Sống khỏe

Những doanh nhân biểu tượng của bóng đá Việt Nam

Bài: Công Tuấn - Ảnh: Xuân Huy 13/10/2024 11:00

Bóng đá Việt Nam từ khi hòa nhập trở lại với đấu trường khu vực đã hai lần đăng quang Đông Nam Á nên rất biết ơn những doanh nhân đam mê hết mình và hết lòng vì môn thể thao vua.

Từ khi trở lại với sân chơi quốc tế đánh dấu bằng cột mốc là chiếc Huy chương bạc SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam chưa một lần trở thành nhà vô địch cho đến khi doanh nhân Võ Quốc Thắng của Đồng Tâm Long An hay đại gia phố núi Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức là tác giả chính của hai ngôi vua Đông Nam Á 2008 và 2018.

Nước mắt và cơn giận của những ông bầu

Nhớ trận chung kết Tiger Cup 1998, đội tuyển Việt Nam có lợi thế sân nhà Hàng Đẫy đã chơi ép sân Singapore trong suốt trận đấu. Thế rồi chỉ một khoảnh khắc sơ sẩy, thủ môn Tiến Anh vồ hụt bóng trên… lưng của tiền đạo Sasi Kumar khiến quả bóng chầm chậm lăn vào lưới trong sự bàng hoàng của hàng chục ngàn khán giả. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Riedl rơi nước mắt tức tưởi vì mất chức vô địch Đông Nam Á ngay trên sân nhà khi ai cũng ngỡ nó nằm trong tay.

h6_dn_ongbau_doanhnhan_lambongda_.jpg
Ông thầy người Hàn Quốc đã làm rạng danh bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế

Doanh nhân Võ Quốc Thắng có mặt trên sân Hàng Đẫy khi ấy không tin nổi vào mắt mình. Ông kể lại, suốt cả đêm 30/8 của 36 năm trước đó, ông lang thang một mình vô định trên các đường phố Hà Nội để tiêu hóa nỗi đau buồn với đôi mắt đỏ hoe.

Không lâu sau đó, ông Võ Quốc Thắng không chơi bóng đá phong trào công nhân ở Gạch Đồng Tâm nữa mà nhận đội Long An từ năm 2001 để làm lại một cách bài bản và nhanh chóng góp mặt ở giải hạng Nhất. Người ta gọi doanh nhân Võ Quốc Thắng là “bầu Thắng” và chỉ thêm vài năm nữa, đội bóng Gạch đã trở thành một thế lực của làng bóng quốc nội gắn liền với cái tên HLV Calisto.

h7_dn_ongbau_doanhnhan_lambongda_.jpg
Trong hơn 5 năm, HLV Park Hang-seo đã giành nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam, trong đó gồm chức Vô địch AFF Cup 2018

Võ Quốc Thắng cùng với ông bầu Đoàn Nguyên Đức ở trên Gia Lai, hai đội bóng Gạch - Gỗ đầu thập niên 2000 mỗi lần đụng độ nhau là hai doanh nhân thường “đăng đàn” khiêu khích lẫn nhau. Nhờ thế, khán đài trên các sân bóng Việt Nam luôn chật kín khán giả và cuộc chiến Gạch - Gỗ trở thành kinh điển ở V-League. Đấy cũng chính là chiêu trò của hai ông bầu bóng đá mong muốn làm cho cuộc chơi thêm sôi động vui vẻ mà cứ sau một trận đấu là bầu Đức và bầu Thắng lại khoác vai nhau khề khà trong quán nhậu.

Cả hai ông bầu đình đám chia nhau bốn chức vô địch quốc gia trong nửa đầu thập niên 2000 như bầu Đức thường nói “làm bóng đá mà không vô địch thì ở nhà nhậu sướng hơn”. Nhưng nghiệt nỗi, khi cả hai ông bầu đã chán chê vô địch V-League và giúp nâng cấp CLB của mình lên ngôi số 1 trong nước mà đội tuyển quốc gia đá mãi không thắng nổi Thái Lan.

Cứ mỗi lần đội tuyển Việt Nam chạm trán người Thái là cầu thủ run với những ám ảnh quá khứ và trình độ không bằng đồng nghiệp. Cũng chính từ những cuộc gặp gỡ trên sân bóng mà hai ông bầu nổi tiếng rất khó chịu, thậm chí tức giận vì bóng đá Việt Nam cứ mãi chạy theo đuôi Thái Lan.

h4_dn_ongbau_doanhnhan_lambongda_.jpg
HLV Calisto cùng các học trò vô địch AFF Cup 2008 nhờ sự đóng góp rất lớn của bầu Thắng

Để trả lời câu hỏi vì sao bóng đá Việt Nam thua Thái Lan, ông bầu Đoàn Nguyên Đức sang Bangkok tìm hiểu cách làm bóng đá của họ, đồng thời có một chiêu độc là “gom” hết những cầu thủ giỏi nhất của Thái Lan sang đá cho Hoàng Anh Gia Lai, như Kiatisak, Dusit, Chukiat, Tawan, Thonglao, Sakda... Đội bóng của bầu Đức từ năm 2002 với dàn tuyển thủ quốc gia Việt Nam - Thái Lan hùng hậu đá đâu thắng đó. Các cầu thủ Việt Nam thân thiện hơn với đồng nghiệp Thái Lan và mỗi lần đụng độ không còn run đá đâu thua đó.

Trong khi đó, hành động đầu tiên của bầu Thắng giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam khi đưa HLV Calisto lên đội tuyển trong cơn khủng hoảng đã gặt hái thành quả ban đầu là chiếc huy chương đồng Tiger Cup 2002. Đỉnh điểm của thành công mà tác giả Võ Quốc Thắng thiết kế cho ông thầy người Bồ Đào Nha giúp đội tuyển quốc gia lên đỉnh Đông Nam Á sau khi đánh bại Thái Lan ở trận Chung kết AFF Cup 2008.

Bầu Thắng lại rơi nước mắt với chức vô địch lịch sử, nhưng là những giọt nước mắt thật hạnh phúc sau 13 năm bóng đá Việt Nam luôn về sau người Thái.

Còn bầu Đức tiếp tục với một bước ngoặt lớn cho CLB và bóng đá Việt Nam khi lặng lẽ gieo mầm cầu thủ trẻ bằng học viện bóng đá hợp tác với Arsenal JMG mà ông có cổ phần trong CLB lừng danh của bóng đá Anh. Bầu Đức phá 7ha rừng cao su đang mùa thu hoạch chỉ để xây dựng học viện đào tạo ra nhiều tài năng trẻ cho đội tuyển quốc gia.

Thật ngẫu nhiên 10 năm sau chức Vô địch AFF Cup 2008 nhờ cú bứt phá tiên phong của bầu Thắng “cho không” HLV Calisto làm nên lịch sử, bầu Đức hồi cuối năm 2017 đích thân ba lần sang Hàn Quốc “trải thảm đỏ” mời HLV Park Hang-seo rồi trả lương để mang về ngôi vô địch Đông Nam Á thứ hai cho bóng đá Việt Nam.

Doanh nhân và hướng đi cho bóng đá Việt Nam

Làng bóng quốc nội không thể nào quên cái ngày lịch sử cách đây 12 năm khi những doanh nhân có máu mặt gồm Đoàn Nguyên Đức, Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Võ Quốc Thắng, Lê Tiến Anh… ngồi lại trong một tòa nhà ở đường Hoàng Việt, Tân Bình, TP.HCM, say sưa bàn về hướng đi cho bóng đá Việt Nam.

Cần nói rõ thêm về nguyên do những doanh nhân nổi tiếng, thường gọi là các ông bầu bóng đá, rất hay “cà khịa” nhau trên sân bóng lại sẵn sàng nắm tay nhau để tìm ra hướng đi mới cho làng bóng Việt Nam sau nhiều năm ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khi ấy bất lực với tình trạng các trọng tài vì thu nhập thấp dẫn đến tiêu cực, cầu thủ “càng lớn càng mất dạy” - lời bầu Đức, trong lúc các CLB không đào tạo trẻ mà chỉ bỏ những số tiền rất lớn ra lót tay cho cầu thủ, công tác điều hành yếu kém của VFF gây mất niềm tin của người hâm mộ.

Bầu Thắng ngay từ khi đặt chân vào bóng đá không ngại ngần tẩy chay những toan tính làm bóng đá chụp giật hoặc chạy theo mục đích khác. Rất nhiều lần ông chia sẻ với chúng tôi về tiêu chí làm bóng đá sạch dẫu có rớt hạng. Ông muốn bóng đá Việt Nam phát triển một cách tử tế chứ không đua tiền phá giá làm loạn thị trường. Bầu Đức thì có cách làm đột phá mà không phải ai cũng nghĩ ra. Ông chính là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam đặt bảng quảng cáo của doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Emirates bên Anh và thừa sức mua cổ phần nuôi cả đội Arsenal.

h3_dn_ongbau_doanhnhan_lambongda_.jpg
Bầu Đức hồi năm 2001 đã đưa tiền đạo số 1 Đông Nam Á sang chơi bóng cho HA Gia Lai và sau này Kiatisak trở thành HLV của đội

Hai vấn đề quan trọng nhất mà bầu Đức cảnh báo VFF phải gấp rút thay đổi ngay là ban tổ chức giải và đội ngũ trọng tài. Bầu Đức kể ra những câu chuyện nghe thật đau lòng, rằng mình là chủ tịch CLB, mỗi năm đầu tư cho đội bóng 70-80 tỷ đồng, tính ra tương đương ba tỉ đồng cho một trận đấu, vậy mà thấy trọng tài là rất sợ. Không chỉ có đội bóng của bầu Đức sợ trọng tài mà hầu hết CLB đều sợ bị “vua sân cỏ” o ép.

Những doanh nhân đã chỉ ra hết những hạn chế của bóng đá Việt Nam và cùng nhìn về một hướng rồi sửa lỗi, dẫn dắt cho cả một hệ thống. Chỉ vài tháng sau, các ông bầu này trở thành chủ nhân của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Bầu Đức khi ấy hào hứng nói cả đời ông chưa bao giờ làm phó cho ai, nhưng vì bạn thân Võ Quốc Thắng làm chủ tịch thì ông mới nhận chức phó chủ tịch.

Bầu Đức, bầu Thắng và những người bạn doanh nhân xứng đáng là biểu tượng của bóng đá Việt Nam bởi sự đam mê, tận tụy, có tâm và có tầm.

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, hai Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Đức Kiên đã làm một cuộc cách mạng thực sự cho bóng đá Việt Nam bằng tất cả tâm huyết cùng cái tầm của những doanh nhân thành đạt trên thương trường thời điểm đó. Tất cả đều không nhận lương, ngược lại còn bỏ tiền túi và hô hào các doanh nghiệp chung tay xây dựng làng bóng quốc nội có được như ngày hôm nay.

Bài: Công Tuấn - Ảnh: Xuân Huy