Chuyện làm ăn

Chuyển đổi công nghiệp: Cơ hội dẫn đầu Đông Nam Á

Hồng Nga 13/10/2024 08:15

Mô hình công nghiệp truyền thống phụ thuộc vào lao động giá rẻ và tiêu thụ năng lượng lớn đã trở nên lạc hậu trong thời kỳ kinh tế toàn cầu chuyển dịch sang kinh tế xanh.

Với 19 khu chế xuất, công nghiệp hiện có, TP.HCM đã tạo ra hàng nghìn việc làm và thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn. Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ gia tăng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp TP.HCM chỉ đạt khoảng 2,7%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này cho thấy cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn để tránh nguy cơ tụt hậu. Sự phát triển của các ngành công nghiệp dựa vào lao động phổ thông và tiêu thụ nhiều năng lượng đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong bối cảnh yêu cầu toàn cầu ngày càng cao về phát thải carbon thấp và sản xuất bền vững.

Thiếu hụt nhân lực được đào tạo chuyên sâu

Thành phố đã bắt đầu thực hiện thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất cũ thành các khu công nghiệp sinh thái và công nghệ cao. Đây không chỉ là chiến lược lâu dài mà còn là cách thức để đảm bảo rằng TP.HCM có thể đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các thành phố công nghiệp khác trong khu vực.
Theo bà Trang Vân Nguyễn - Trưởng nhóm Đông Nam Á Trung tâm Climateworks (Đại học Monash, Australia), TP.HCM đang có cơ hội lớn để dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển công nghiệp xanh và công nghệ cao. Tuy nhiên, để thành công, Thành phố cần giải quyết một loạt thách thức.

Trước hết là việc đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao. Mặc dù TP.HCM có lợi thế về nguồn lao động trẻ, năng động, nhưng vẫn thiếu hụt nhân lực được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới và kinh tế số.

Hiện Thành phố chỉ có 25% lực lượng lao động đạt trình độ chuyên môn cao, con số này rất thấp so với nhu cầu thực tế để phục vụ cho các ngành công nghiệp mới. Để bắt kịp xu thế, TP.HCM cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nhân lực. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao, sản xuất sạch và logistics cần được ưu tiên. Sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp (DN) cũng cần được đẩy mạnh nhằm cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Một yếu tố quan trọng khác là hạ tầng kỹ thuật và logistics. Hiện tại, các khu công nghiệp của TP.HCM vẫn đang đối mặt với áp lực lớn từ việc thiếu kết nối giao thông và hạ tầng logistics. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã chỉ ra rằng, để khắc phục tình trạng này, thành phố cần nhanh chóng nâng cấp giao thông, đặc biệt là đường sắt, đường bộ và cảng biển. Chỉ khi hạ tầng được cải thiện, TP.HCM mới có thể giải quyết bài toán kết nối trong nước và quốc tế, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài với cam kết bền vững.

lang-kinh_tphcm.jpg
TP.HCM cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn để tránh nguy cơ tụt hậu. Ảnh minh hoạ: HN

Hạ tầng, nhân lực, cải cách pháp lý

Chính quyền TP.HCM cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải cách hệ thống pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình chuyển đổi. Các dự án về công nghiệp sinh thái và công nghệ cao tại Thành phố hiện đang bị chậm trễ do vướng mắc về quy trình phê duyệt dự án và thiếu tính minh bạch trong hệ thống quản lý. Nếu không có sự cải cách mạnh mẽ, việc thực thi các dự án này sẽ tiếp tục bị cản trở, kéo theo đó là sự suy giảm năng lực cạnh tranh của TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Về mặt tài chính, TP.HCM cần xây dựng các gói hỗ trợ ưu đãi, tín dụng xanh và miễn giảm thuế cho các DN tham gia vào quá trình chuyển đổi công nghiệp. Hiện tại, nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các công nghệ mới và cải tiến quy trình sản xuất. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, quá trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Chuyển đổi công nghiệp cũng là cơ hội để TP.HCM tận dụng các xu hướng toàn cầu như năng lượng sạch và kinh tế tuần hoàn. Như nhận định của bà Anna Skarbek - Giám đốc Điều hành Climateworks Australia (Đại học Monash, Úc) TP.HCM đang ở vị trí thuận lợi để trở thành một trung tâm công nghiệp sạch hàng đầu khu vực. Nếu tận dụng tối đa các cơ hội này, TP.HCM sẽ không chỉ giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Mặc dù thách thức vẫn còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền Thành phố và sự hợp tác từ các DN, chuyển đổi công nghiệp sẽ trở thành động lực mới cho sự phát triển bền vững của TP.HCM. Đây không chỉ là hướng đi tất yếu mà còn là nền tảng vững chắc giúp thành phố duy trì và nâng cao vị thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Nếu cải thiện được những vấn đề trên, TP.HCM không chỉ giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn mở ra một chương mới cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Năm 2022, TP.HCM đóng góp hơn 20% GDP của cả nước và 25% ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, mô hình công nghiệp dựa trên lao động phổ thông, gia công lắp ráp và hạ tầng chưa hoàn thiện đang trở thành rào cản lớn. Các khu công nghiệp hiện tại phụ thuộc nhiều vào lao động giá rẻ, thâm dụng lao động nhưng giá trị gia tăng thấp, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa bắt kịp với xu thế toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và phát triển công nghệ cao.

Hồng Nga