Chuyên đề

Từ chiến dịch vận động của Báo Doanh nhân Sài Gòn

Hồng Nga 12/10/2024 - 08:50

Quá trình vận động để ngày 13/10 được công nhận vô cùng gian nan. Báo Doanh Nhân Sài Gòn, thời điểm đó còn khá non trẻ, đã tổ chức hàng loạt hội thảo, diễn đàn để truyền tải thông điệp về sự cần thiết của một ngày tôn vinh doanh nhân.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Hành trình từ khát vọng đến tôn vinh

Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 là một cột mốc quan trọng, ghi nhận những đóng góp của doanh nhân trong sự phát triển kinh tế đất nước. Việc chính thức công nhận ngày này vào năm 2004 không chỉ là kết quả của sự kiên trì vận động từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) mà còn là chiến thắng của tinh thần không ngừng nghỉ từ đội ngũ của báo, đặc biệt là Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền.

Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 ra đời nhằm tôn vinh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước và minh chứng cho sự kiên trì và tâm huyết của những cá nhân dấn thân vì lợi ích chung. Hành trình vận động để ngày này được chính thức công nhận vào năm 2004, một câu chuyện đầy gian truân nhưng cũng vô cùng vinh quang.

Chữ "doanh nhân" chưa có trong từ điển

Cố tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền (1951-2016) của Báo Doanh Nhân Sài Gòn là người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch này. Những nỗ lực của bà, cùng sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nhân và các nhân vật quan trọng khác, đã viết nên một chương đáng nhớ trong lịch sử báo chí và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Vào đầu những năm 2000, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức, đội ngũ doanh nhân bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, xã hội lúc bấy giờ vẫn chưa nhìn nhận đúng mức vai trò của doanh nhân. Nhiều người vẫn sử dụng những thuật ngữ như “con buôn” với ý nghĩa tiêu cực để chỉ những người làm kinh doanh. Từ “doanh nhân” khi đó còn mới mẻ và chưa được đưa vào từ điển một cách chính thống, điều này đặt ra thách thức lớn cho giới doanh nhân trong việc khẳng định vị thế của mình.

Trong bối cảnh ấy, con thuyền Báo Doanh Nhân Sài Gòn, với người thuyền trưởng cố Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền, đã nhận ra khoảng trống này và khởi xướng chiến dịch vận động nhằm công nhận một ngày dành riêng để tôn vinh đội ngũ doanh nhân. Tôn vinh thể hiện tạo ra một ngày kỷ niệm, tạo ra dư luận xã hội nhằm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của giới doanh nhân trong xây dựng đất nước.
Cố Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền, người từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong các cơ quan báo chí, với sự nhạy bén về kiến thức xã hội và kinh tế, bà nhận thấy rằng cộng đồng doanh nhân đang dần trở thành trụ cột của nền kinh tế nhưng vẫn chưa nhận được sự ghi nhận xứng đáng. Chính điều này đã thúc đẩy bà bắt đầu một chiến dịch vận động đầy quyết liệt.

co-tbt-minh-hien.jpg
Nhà báo Nguyễn Minh Hiền tặng hoa cho các doanh nhân. Ảnh tư liệu

Đầu tiên, nhà báo Nguyễn Minh Hiền chọn ngày 5/3 (1906) - ngày thành lập Công ty Liên Thành với lý do Công ty Liên Thành là công ty đầu tiên của người Việt, là biểu tượng chuyển biến nhận thức của tầng lớp trí thức về chức năng kinh thương và tự cường dân tộc làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng qua bàn bạc với nhiều cán bộ lãnh đạo và doanh nhân đã quyết định chọn ngày 13/10 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư cho giới công thương Việt Nam vào năm 1945, làm nền tảng cho đề xuất này. Bức thư này là minh chứng về sự quan trọng của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước, và nhà báo Nguyễn Minh Hiền xem đây là cột mốc lịch sử để xây dựng nên Ngày Doanh nhân Việt Nam. Bằng sự hiểu biết và mối quan hệ sâu rộng, cố Tổng biên tập Minh Hiền đã kêu gọi sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nhân và các nhân vật có tầm ảnh hưởng.

Quá trình vận động để ngày 13/10 được công nhận là Ngày Doanh nhân Việt Nam vô cùng gian nan. Báo Doanh Nhân Sài Gòn, thời điểm đó còn khá non trẻ, đã tổ chức hàng loạt hội thảo, diễn đàn để truyền tải thông điệp về sự cần thiết của một ngày tôn vinh doanh nhân. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ việc xã hội chưa có một nhận thức đúng đắn về vai trò của doanh nhân. Ngay cả trong bối cảnh truyền thông chưa phổ biến rộng rãi, nhà báo Nguyễn Minh Hiền và đội ngũ nhân sự Doanh Nhân Sài Gòn đã phải rất nỗ lực để đưa thông điệp đến cộng đồng. Báo in là phương tiện truyền thông chính, nhưng với sự non trẻ của tờ báo, việc tạo dựng sự lan tỏa không hề đơn giản.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ nhiệt thành cho cuộc vận động

Điểm nhấn đặc biệt trong hành trình này chính là sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhân vật quan trọng. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho chiến dịch này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một người luôn đề cao vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Đại tướng đã thể hiện sự đồng tình với ý tưởng của bà Nguyễn Minh Hiền, tạo nên một lực đẩy mạnh mẽ trong hành trình này.

Cùng với đó, những cá nhân trong cộng đồng doanh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động này. Nhiều doanh nhân tiên phong đã không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ, tham gia các diễn đàn và góp tiếng nói để thúc đẩy ý tưởng về ngày tôn vinh doanh nhân.

Với sự kiên trì của nhà báo Nguyễn Minh Hiền, cùng sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp và cộng đồng doanh nhân, ngày 13/10 đã chính thức được công nhận là Ngày Doanh nhân Việt Nam vào ngày 20/9/2004, khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg.

Ngày 13/10 - một ngày kỷ niệm, biểu tượng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam. Đây là dịp để xã hội nhìn nhận và tri ân những nỗ lực của doanh nhân, những người đã không ngại khó khăn, thử thách để đưa đất nước vươn tầm quốc tế.

Ngày Doanh nhân Việt Nam thành dấu mốc lịch sử

Kể từ khi được chính thức công nhận, Ngày Doanh nhân Việt Nam đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến năm 2024, Việt Nam có gần 900 nghìn DN đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP và tạo ra khoảng 30% tổng số lao động trên cả nước. Doanh nhân Việt không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế trong nước mà còn vươn tầm quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Những tấm gương doanh nhân xuất sắc đã được tôn vinh qua các danh hiệu như "Doanh nhân, Doanh nghiệp tiêu biểu", "Sao vàng đất Việt"... góp phần tạo động lực lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Những giải thưởng này không chỉ khẳng định sự xuất sắc của cá nhân mà còn thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 là sự công nhận đối với những đóng góp to lớn của giới doanh nhân và thành quả của một hành trình vận động đầy gian truân. Sự kiên định và quyết liệt của cố Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền, sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nhân và các nhân vật có tầm ảnh hưởng, đã tạo nên một ngày tôn vinh ý nghĩa. Đó là niềm tự hào của doanh nhân Việt Nam, nguồn cảm hứng để tiếp tục phấn đấu, đưa đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.

Doanh Nhân Sài Gòn tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và xã hội
Doanh Nhân Sài Gòn
hiện nay vẫn tiếp tục duy trì tinh thần
cống hiến của người sáng lập, không ngừng đổi mới, sáng tạo
và đồng hành cùng đội ngũ doanh nhân để góp phần thúc đẩy
sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các diễn đàn, hội thảo và chương trình được báo tổ chức thường xuyên đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và xã hội, giúp giới doanh nhân phát huy tối đa vai trò và năng lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hồng Nga