Chuyện làm ăn

Hãy tin vào Doanh nhân Việt

Trung tướng Lưu Phước Lượng (*) 11/10/2024 22:49

Trung tướng Lưu Phước Lượng vừa có những chia sẻ tâm huyết gửi đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024).

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển nhanh và bền vững doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Qua các năm, việc tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đạt được yêu cầu: thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, cũng như giáo dục tốt truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động, sáng tạo; thi đua sản xuất, kinh doanh; nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Đồng thời, đã biểu dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: Giới công thương là một bộ phận thuộc khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “Công Thương cứu quốc đoàn” - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị.

doanhnghieptphcm.jpeg
Các doanh nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của UBND TP.HCM

Tiếp tục khẳng định lời chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề góp phần xây dựng đất nước.

Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khẳng định được giá trị thương hiệu và đã vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Mới đây, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, xác định tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, sau thời gian vượt qua đại dịch COVID-19 với biết bao khó khăn bởi sức tàn phá của dịch bệnh cũng như tác động tiêu cực của nền kinh tế, tài chính toàn cầu, đất nước ta với các doanh nghiệp và doanh nhân vẫn đứng vững trong tư thế khôi phục và phát triển kinh tế tích cực, trong đó có nhiều điểm sáng như: ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, từ thực tiễn, với góc nhìn tổng thể cho thấy nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn lớn, tuy có nhiều khởi sắc nhưng tăng trưởng chậm và chưa vững bền. Cụ thể, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra hồi đầu tháng 10-2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023.

Mức dự báo này thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 năm nay, chủ yếu do tác động từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng.

Trong khi đó, Báo cáo kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 2/10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá, tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam sẽ chững lại, còn 4,7% trong năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân cần có những giải pháp cụ thể để giảm chi phí kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó cải cách quyết liệt thủ tục hành chính gây trở ngại.

Từ thực trạng với những khó khăn chung của sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn kéo dài, trong đó có 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Tin rằng, với Nghị quyết 105/NQ-CP, cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trung ương; quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn để sản xuất kinh doanh thật sự hiệu quả, góp sức cùng cả nước thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Quốc hội đã đề ra. Đó cũng là biểu hiện tốt đẹp về đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024).

(*) Nguyên Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

Trung tướng Lưu Phước Lượng (*)