Thời sự

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số dự án tại TP.HCM chưa cao

Thanh An 11/10/2024 - 13:47

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình chuẩn bị, thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tháng 9 năm 2024.

Theo UBND TP.HCM, hiện tại, Thành phố đang triển khai thực hiện 5 dự án ODA, trong đó 4 dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng và 1 dự án nhóm B. Tổng vốn đầu tư là 114.003 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 94.883 tỷ đồng, vốn đối ứng là 19.120 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn đã giao năm 2024, đối với vốn ODA là 5.889,949 tỷ đồng, trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 1.140,670 tỷ đồng, vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 4.749,279 tỷ đồng. Vốn đối ứng là 947,050 tỷ đồng.

Lũy kế giải ngân 9 tháng năm 2024, vốn vay ODA là 1.085,66 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 18,43% so với kế hoạch vốn được giao. Vốn đối ứng là 220,999 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 23,3% so với kế hoạch vốn được giao.

Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số dự án chưa cao. Một phần nguyên nhân liên quan đến quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định pháp luật còn phức tạp; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay còn mất nhiều thời gian. Việc chưa thống nhất giữa chủ dự án và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng, quy định của nhà tài trợ cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các chương trình, dự án.

ha-tang-giao-thong_dbhd-0925.jpg
Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số dự án chưa cao

Để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cũng như tăng cường công tác giải ngân các nguồn vốn trong năm 2024, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân hàng tháng, cả năm 2024.

Trong đó, UBND TP.HCM giao Tổ Công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến những dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài họp định kỳ hàng tháng cùng các chủ đầu tư dự án ODA để rà soát, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ và cùng hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao khả năng giải ngân vốn kế hoạch năm 2024.

Hiện nay trong quá trình thực hiện, các dự án ODA tại Thành phố đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc đối với thẩm quyền giải quyết của bộ ngành Trung ương, các khó khăn này đã được UBND Thành phố, chủ đầu tư dự án ODA báo cáo, kiến nghị và đang được bộ ngành xem xét, hỗ trợ.

Cụ thể, đối với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (dự án CRUS1) vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á, TP.HCM kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đối với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (dự án CRUS2) vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á, TP.HCM kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đối với dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn các thủ tục thực hiện hạng mục Pin năng lượng mặt trời cho dự án.

Thanh An