Đầu tư

4 dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM được kiến nghị bố trí hơn 4.000 tỷ đồng

Nguyễn An 08/10/2024 - 10:36

Trong giai đoạn 2026-2030, 4 dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM được Ban Giao thông TP.HCM kiến nghị bố trí đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thuộc Ban Giao thông TP.HCM vừa có văn bản số 6375/BQLDAGT-KHĐT gửi Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị ghi vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 từ nguồn ngân sách Thành phố cho 4 dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư.

Theo đó, Dự án xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ (bao gồm nạo vét kênh xây dựng bờ kè và mảng xanh dọc 2 bờ kênh-giai đoạn 3) được đề nghị ghi vốn 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.

Hiện tại, Dự án này đang được điều chỉnh chủ trương đầu tư công và dự kiến hoàn thành chủ trương đầu tư trong năm 2025 để đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

1-ngap-lut-o-tphcm-16580558141112047636167-0-0-438-700-crop-16580562011781755512067-1697108448067289844582.jpg
Việc bố trí đầu tư vốn cho 4 dự án cải thiện môi trường nước sẽ góp phần giúp TP.HCM cải thiện hạ tầng hệ thống thoát và xử lý nước thải

Tiếp theo là Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3 được đề xuất bố trí 1.354 tỷ đồng.

Hiện tiến độ của Dự án đã được UBND Thành phố giao Ban Giao thông chuẩn bị đầu tư. Các sở, ngành đang góp ý kiến và Ban Giao thông hoàn thiện nội dung hồ sơ đề xuất dự án, dự kiến trình lại hồ sơ trong quý IV/2024.

Đối với Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố (giai đoạn 2), Ban Giao thông đề xuất bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 50 tỷ đồng để ghi vốn quyết toán Dự án và bố trí 300 tỷ đồng cho hạng mục nạo vét của gói thầu F2 - cải tạo kênh.

Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án, Ban Giao thông kiến nghị Sở Xây dựng tổng hợp và kiến nghị cấp có thẩm quyền ghi vốn trung hạn 2026-2030 cho các dự án nói trên.

TP.HCM được biết đến là thành phố lớn nhất Việt Nam có tình trạng ngập lụt các tuyến đường chính vào mùa mưa và ô nhiễm nước ở các sông, hồ và kênh rạch. Tuy nhiên, hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy, cải thiện hạ tầng hệ thống thoát và xử lý nước thải là việc cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết.

Trước đó, vào tháng 8/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã khánh thành giai đoạn 2 của Nhà máy nước thải Bình Hưng với tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ cải thiện hệ thống thoát và xử lý nước thải của TP.HCM, qua đó giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiệt hại do ngập lụt, góp phần cải thiện môi trường nước nói riêng và môi trường đô thị của thành phố nói chung.

Nguyễn An