B2B monthly

KOCHAM: Chương trình B2B tháng 10 là cầu nối để doanh nghiệp Hàn Quốc khám phá cơ hội kinh doanh mới tại Việt Nam

Phong Vân 08/10/2024 08:11

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sẽ tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh 9th Monthly B2B lần thứ 20 vào ngày 9/10 tại khách sạn Rex Sài Gòn. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình B2B tháng 10 này sẽ diễn ra “Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc Năm 2024”.

Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Hiệp Hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) là đơn vị bảo trợ cho sự kiện lần này.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Choi Bundo - Chủ tịch KOCHAM về ý nghĩa của chương trình B2B tháng 10 trong việc đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp 2 nước, và các cơ hội hợp tác mới cho 2 bên.

a.png
Ông Choi Bundo - Chủ tịch KOCHAM

*Là đơn vị bảo trợ chính cho sự kiện, xin ông cho biết nhận định của KOCHAM về chương trình B2B tháng 10 này?

Tôi nghĩ sự kiện B2B tháng 10 là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi, hợp tác. Tính đến năm 2023, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang tìm kiếm đối tác kinh doanh mới. KOCHAM cho rằng, sự kiện này sẽ tăng cường kết nối hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước, để cùng nhau phát triển. Vì lý do đó, KOCHAM đã tham gia với tư cách là nhà bảo trợ chính.

*Kỳ vọng của KOCHAM là gì khi tham gia sự kiện B2B tháng 10, thưa ông?

KOCHAM hy vọng rằng, qua những chương trình cụ thể như sự kiện B2B tháng 10, sẽ giúp mở rộng hơn nữa hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Dự kiến, khoảng 200 doanh nghiệp của hai nước sẽ tham gia chương trình quảng bá, giao thương lần này. Tôi mong rằng, họ sẽ gặt hái được nhiều kết quả như kỳ vọng. Chúng tôi cũng hy vọng, thông qua sự kiện, các doanh nghiệp của hai nước sẽ có thể kết hợp thế mạnh của nhau, để cùng nhau khám phá, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới.

Đặc biệt, chúng tôi hy vọng, chương trình sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc một lần nữa khẳng định tiềm năng của thị trường Việt Nam, khám phá những cơ hội kinh doanh mới tại đây; qua đó thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng hiệu quả hơn.

hanquoc.jpeg
Kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với xúc tiến du lịch và đầu tư giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với doanh nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên

*Ông có thể chia sẻ thêm về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong những năm gần đây?

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến tháng 8 năm 2024, tổng vốn đầu tư lũy kế của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 87,7 tỷ USD. Trước đây, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành dệt may, nhưng hiện nay phạm vi đã mở rộng từ các ngành công nghiệp nặng như: thép, ô tô sang các ngành công nghệ cao như điện, điện tử, dược phẩm, công nghệ thông tin.

Khu vực phía Nam của Việt Nam, trong đó có TP.HCM, là nơi thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư kể từ những ngày đầu hai nước đặt quan hệ ngoại giao. Lĩnh vực đầu tư đa dạng, từ dệt may mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như điện và điện tử, xây dựng, dược phẩm, đóng tàu và hóa chất.

Theo một khảo sát gần đây, những ngành công nghiệp chính các công ty Hàn Quốc đầu tư vào TP.HCM là sản xuất (27%), tiếp theo là bán buôn và bán lẻ (19,8%), xây dựng (17,2%), vận tải (9%), khoa học và công nghệ, dịch vụ công nghệ (7,5%), v.v.

Gần đây, cùng với ngành sản xuất và xây dựng bất động sản, sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phân phối bán lẻ cũng ngày càng tăng. Đặc biệt, TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc như điểm đến trải nghiệm đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Vì thế, TP.HCM cũng thu hút được một số lượng đáng kể các nhà đầu tư mới và công ty khởi nghiệp.

ng nhận định về tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hiện tại và tương lai?

Hai nước đều là đối tác thương mại lớn của nhau. Kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam là 2 tỷ USD vào năm 2000, và đã tăng lên 79,4 tỷ USD vào năm 2023. Đặc biệt, các sản phẩm điện tử, dệt may, nông sản, hải sản là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giao thương giữa hai bên. Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu lớn là sẽ tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 150 tỷ USD vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đang diễn ra tích cực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; và đây cũng là điều rất cần thiết. Có nhiều cơ hội hợp tác giữa 2 bên, tập trung trong các ngành sản xuất, điện tử, xây dựng, dịch vụ. Trong tương lai, cơ hội hợp tác giữa hai nước dự kiến sẽ phát triển về chiều sâu, trong các lĩnh vực kinh tế số, công nghiệp thân thiện với môi trường và công nghệ mũi nhọn. Nhìn chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất tích cực về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và mong muốn hợp tác hơn nữa nhờ các cơ cấu kinh tế bổ sung.

Hiệp Hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)được UBND TP. HCM cấp giấy phép thành lập vào năm 2003. Hiện, KOCHAM có 950 công ty hội viên, đang đại diện cho hơn 4.500 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động đầu tư tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Phong Vân