Thời sự

TP.HCM quyết tâm phát triển thành trung tâm công nghệ hiện đại cùng C4IR

Hồng Nga 06/10/2024 12:45

Sáng nay (6/10), GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM. Chuyến thăm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự hợp tác giữa WEF và TP.HCM, thể hiện cam kết mạnh mẽ của TP.HCM trong việc gia nhập cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hướng tới sự phát triển kinh tế số và công nghệ xanh.

Tại buổi làm việc, GS. Schwab đã gặp gỡ và trao đổi với ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Các nhà lãnh đạo đã chia sẻ về vai trò của C4IR và khẳng định quyết tâm của TP.HCM trong việc dẫn đầu quá trình chuyển đổi số và công nghiệp của cả nước.

c4ir-copy.jpg
GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) và lãnh đạo TP.HCM ký tên lưu niệm tại C4IR

Phát biểu tại buỗi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Sứ mệnh của C4IR tại TP.HCM là thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh. Trung tâm này sẽ tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa, tạo nên một hệ sinh thái công nghệ toàn diện mà mọi thành phần kinh tế có thể hưởng lợi".

Ông Mãi cũng nhấn mạnh việc thành lập C4IR là kết quả của quá trình hợp tác sâu rộng giữa TP.HCM và WEF. Trung tâm này ra đời không chỉ nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mà còn để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo ông Mãi, C4IR sẽ đóng vai trò cầu nối giữa TP.HCM và mạng lưới C4IR toàn cầu, giúp đề xuất các giải pháp và kiến nghị chính sách nghiên cứu, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Ông Mãi cũng khẳng định cam kết của Thành phố trong việc hợp tác chặt chẽ với WEF, các doanh nghiệp sáng lập và các chuyên gia quốc tế để đảm bảo hoạt động hiệu quả của C4IR. "TP.HCM sẽ là đầu mối trong việc triển khai các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành Trung ương và mạng lưới C4IR toàn cầu của WEF," ông Mãi nhấn mạnh.

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng khẳng định, C4IR không chỉ là một bước tiến quan trọng cho TP.HCM mà còn đóng vai trò như một cánh tay nối dài của Việt Nam trong việc hội nhập với xu hướng công nghiệp 4.0 toàn cầu. Ông cho biết C4IR không chỉ là nơi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, mà còn là trung tâm đầu não trong việc tham mưu các chính sách chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi ngành sản xuất theo hướng thông minh.

“Sự ra đời của C4IR là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và WEF, cũng như sự quyết tâm của TP.HCM trong việc đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Trung tâm này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, mà còn mang lại những giá trị quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của quốc gia".

Theo lãnh đạo TP.HCM, sự kết nối chặt chẽ giữa C4IR và các đối tác quốc tế, thông qua việc quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Trung tâm sẽ là nơi chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.HCM và cả nước.

c4ir2.jpg
Lãnh đạo TP.HCM đã đưa GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) thăm C4IR

Sự xuất hiện của C4IR tại TP.HCM là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hội nhập toàn cầu và tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam. C4IR sẽ tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính: nghiên cứu chính sách, tổ chức sự kiện kết nối, triển khai các dự án ứng dụng công nghệ, nghiên cứu gắn với cung ứng dịch vụ và các hoạt động thường xuyên khác. Đây sẽ là đầu mối quan trọng giúp TP.HCM phát triển thành một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, đồng thời lan tỏa các giá trị khoa học - công nghệ ra toàn quốc.

C4IR cũng sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông minh và sản xuất xanh. Những hoạt động của C4IR không chỉ mang lại lợi ích cho TP.HCM, mà còn tạo động lực cho cả nước trong quá trình phát triển kinh tế - công nghệ hiện đại và bền vững.

TP.HCM đã xác định rõ cam kết trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghiệp, với sự hỗ trợ từ WEF và mạng lưới C4IR toàn cầu. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các dự án đổi mới sáng tạo.

Ông Phan Văn Mãi đã khẳng định: "TP.HCM cam kết sẽ đồng hành và lắng nghe ý kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các doanh nghiệp sáng lập và các chuyên gia liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế trong các hoạt động trao đổi, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại tại Việt Nam".

Ông Mãi cũng cam kết TP.HCM sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển tại C4IR. "Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành của WEF và sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp sáng lập, C4IR sẽ là nền tảng quan trọng để TP.HCM trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của Việt Nam và khu vực," ông nhấn mạnh.

Chuyến thăm của GS. Klaus Schwab và sự ra đời của C4IR đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển công nghệ và kinh tế số của TP.HCM. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ WEF và cam kết của chính quyền TP.HCM, C4IR sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến, góp phần đưa Việt Nam và TP.HCM lên bản đồ công nghệ toàn cầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Hồng Nga