Xác định đối tượng điều chỉnh mặt hàng dầu HFO
Tổng cục Hải quan vừa có Văn bản số 4625/2023 gửi Bộ Công thương để trao đổi nội dung liên quan đến chính sách quản lý mặt hàng xăng dầu, cụ thể là mặt hàng dầu HFO.
Theo đó, nội dung văn bản nêu rõ, các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa đã khai báo với nhiều tên gọi khác nhau.
Cụ thể, chế phẩm dầu sau tinh chế - Refined Oil HFO350 chứa trên 70% khối lượng dầu khoáng nguồn gốc dầu mỏ, thuộc phân đoạn dầu nặng, không dùng làm nhiên liệu động cơ (đóng bao flixibag, hàng nhập khẩu để bán), mới 100%.
Dầu khoáng được chưng cất từ hắc in than đá, ở nhiệt độ cao (Base oil HFO350), đóng gói trong container (19 đến 22 tấn) dùng để chứa dầu, hàng mới 100%.
Chế phẩm dầu gốc (Base oil - 3.0) có khối lượng cầu từ thơm lớn hơn cầu từ không thơm, có thành phần chưng cất dưới 65% ở 250 độ C, dùng để hóa dẻo cao su và đốt công nghiệp, hàng mới 100%.
Dầu khoáng chất từ hắc in than đá ở nhiệt độ cao (HFO350-Heavy Fuel Oil), hàm lượng dầu khoáng chất trên 70%, thuộc phân đoạn dầu nặng không dùng làm nhiên liệu động cơ, mới 100%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều khai mã số HS 2710.19.90.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 quy định: “Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu. Bao gồm: Xăng, nhiên liệu diezen, dầu hỏa, dầu mazut, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên". Danh mục chi tiết theo mã HS đối với xăng dầu được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 41/2019/TT-BCT ngày 16/12/2019 của Bộ Công thương.
Đối chiếu với quy định nêu trên, để có cơ sở giải quyết thủ tục hải quan đối với mặt hàng dầu HFO350 nêu trên đảm bảo đúng quy định, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương có ý kiến mặt hàng dầu HFO theo khai báo của doanh nghiệp tại điểm 1 dẫn trên có thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP hay không?
Trường hợp mặt hàng Dầu HFO theo khai báo của doanh nghiệp tại điểm 1 dẫn trên có thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP thì đề nghị Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết theo mã HS đối với xăng dầu được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 41/2019/TT-BCT theo hướng bổ sung mặt hàng da HFO vào Danh mục.
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, xăng dầu mặt đất, gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 27,45 triệu m3/tấn; nhiên liệu hàng không, gồm Jet A1, xăng tàu bay: 980.039 m3).
Theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đạt 18,16 triệu m3/tấn, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ phân giao, bằng với cùng kỳ năm trước.
Về tiêu thụ 8 tháng đạt khoảng 18 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tồn kho hiện tại là 1,95 triệu m3/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.