Trong nước

Cà phê Doanh nhân quận Bình Thạnh: Doanh nghiệp làm thế nào để huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả?

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm 27/09/2024 20:14

Ngày 27/9, Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh (BTBA) phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức chương trình "Cà phê Doanh nhân quận Bình Thạnh" với chủ đề "Huy động vốn và sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả".

Được xem là "mạch máu" của nền kinh tế, nguồn vốn thực hiện không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng mà còn tạo tác động lan tỏa, thông qua đầu tư cải thiện sản xuất, tạo việc làm và kích thích tiêu dùng.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của Thành phố ước thực hiện là hơn 148.355 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Theo TS. Lê Thị Thuý Loan - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Loan Lê, 98% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) đang có hệ số nợ từ 43-52%, thể hiện đa phần doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn là nguồn vốn đi vay. Bởi thời gian qua, tồn tại một điểm "nghẽn" lớn là tiền của các tổ chức tín dụng thì dư giả, còn các doanh nghiệp thì "đói" vốn sản xuất kinh doanh.

Có góc nhìn tương tự, ThS. Ngô Thành Huấn - Thành viên Hội đồng chuyên gia tại Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) thông tin: "Số tiền mà Chính phủ chủ trương giải ngân đến hết năm nay là trên 1 triệu tỷ đồng. Phần lớn trong số này được kỳ vọng "đi vào" các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí, thậm chí nhiều doanh nghiệp muốn cũng... khó để vay. Đây là một 'điểm nghẽn' đáng buồn!".

5j0a1500-1-.jpg
Các diễn giả chia sẻ trong khuôn khổ Chương trình

Doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...

Lý giải điểm nghẽn này, bà Loan cho rằng, nguyên nhân lớn đến từ các hạn chế nội tại của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh yếu khiến họ không thể thuyết phục ngân hàng rằng mình có thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không cung cấp được số liệu tài chính rõ ràng, minh bạch, dẫn đến mất niềm tin từ phía ngân hàng. Thêm vào đó, việc quản lý rủi ro trong các lĩnh vực công nợ, tài chính và thông tin của nhiều doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, tài sản thế chấp không đủ hoặc không đạt tiêu chuẩn, làm ngân hàng e ngại khi phê duyệt khoản vay...

Có cùng quan điểm, TS. Phạm Linh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á cho rằng, nhiều doanh nghiệp có sổ sách tài chính không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý dòng tiền kinh doanh, dẫn đến khó được ngân hàng chấp thuận cấp tín dụng ổn định. Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay đến 70-80% tổng nguồn vốn nên khá nhạy cảm với sự biến động của nguồn vốn vay (sự ổn định và thay đổi lãi suất). Ngoài ra, công tác quản lý công nợ khách hàng không chặt chẽ gây ra rủi ro trong kinh doanh và lãng phí chi phí vốn vay, công tác quản lý hàng tồn kho yếu gây thất thoát và gia tăng chi phí lãi vay trong khi đầu ra không ổn định...

Để huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Theo TS. Loan, doanh nghiệp cần tìm kiếm đa dạng nguồn vốn vay ngoài hệ thống ngân hàng, đặc biệt đối với nguồn vốn trung dài hạn. Bà đề cập đến một số nguồn mà doanh nghiệp thường "lãng quên" như các tổ chức cá nhân, tín dụng thương mại, quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu, hay nguồn chiếm dụng vốn...

Tiếp đó, cần xem xét nhu cầu của doanh nghiệp mình phù hợp với "khẩu vị" đầu tư của "nhà đầu tư" nào?; Tình hình thị trường vốn, các kênh vay vốn vào thời điểm đó có đang thuận lợi?

Từ kinh nghiệm của mình, TS. Loan khuyên doanh nghiệp cần chuẩn bị các sản phẩm dịch vụ thử nghiệm, kế hoạch thị trường, tạo dựng một "bức tranh" đầy đủ nhất với các nhà đầu tư. Doanh nghiệp nên mời các chuyên gia tư vấn tài chính, luật sư đồng hành cùng trong quá trình này.

Đồng quan điểm, ThS. Ngô Thành Huấn cho rằng, đôi khi "tiếc" tiền trả lương cho một vị trí giám đốc tài chính (CFO) mà doanh nghiệp thiếu đi một người làm công việc cơ cấu dòng vốn chuyên nghiệp và bài bản, làm "đẹp" báo cáo kinh doanh để có thể tăng tỷ lệ thành công khi tiếp cận các ngân hàng, quỹ đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, ThS. Huấn cho rằng, doanh nghiệp cũng cần thực sự để tâm đến chu kỳ kinh tế, nhằm có khả năng thích ứng với biến động thị trường và duy trì sự linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh của mình. "Cuối chu kỳ kinh tế thì cần có kế hoạch thận trọng trong việc huy động vốn. Đầu chu kỳ kinh tế thì nghĩ đến việc vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng quy mô doanh nghiệp...", ông Huấn nói.

5j0a1447.jpg
ThS. Ngô Thành Huấn đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp

Theo các diễn giả trao đổi tại Chương trình, việc huy động vốn đã khó, nhưng để sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả còn khó hơn gấp "trăm lần".

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS. Phạm Linh khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư thích đáng cho công tác quản lý số liệu tài chính kế toán mang lại sự yên tâm cho ngân hàng cùng hợp tác phát triển. Với tình hình biến động kinh tế trong và ngoài nước hiện này, tuyệt đối tránh vay vốn ngân hàng để đầu cơ chênh lệch giá nguyên liệu, hàng hóa; Sử dụng các sản phẩm quản lý dòng tiền của các ngân hàng để dòng tiền kinh doanh luôn hiệu quả, sinh lời và tránh lãng phí chi phí vay vốn. Ngoài ra, với các khoản vay bằng ngoại tệ thì cần sử dụng các sản phẩm bảo hiểm tỷ giá của ngân hàng để đảm bảo an toàn và ổn định cho các phương án kinh doanh

Thêm vào đó, TS. Phạm Linh khuyên doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng tín dụng thì cần chú ý đàm phán với ngân hàng các điều khoản về thời hạn cho vay của các khế ước sao cho phù hợp với vòng quay vốn của phương án, chu kỳ kinh doanh của mình. Đặc biệt, khai thác các nguồn vốn ưu đãi từ các đối tác của ngân hàng…

Ngoài chủ đề "Huy động vốn và sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả", Chương trình cũng được kết nối với toạ đàm trực tuyến chủ đề "Sự định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức. Buổi toạ đàm quy tụ các diễn giả nổi tiếng: GS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Sáng lập mạng lưới Sáng kiến Việt Nam (VNI); Bà Mai Zymaris - Luật sư thành viên Ice Miller LLP, Chủ tịch và Sáng lập VietChallenge; PGS. Markus Taussig - Đại học Rutgers; Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN; Ông Huỳnh Thế Du - Thành viên VNI.

Thông qua những trao đổi trực tuyến, khách mời có thêm góc nhìn về chính sách định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của chính phủ Mỹ thời gian qua, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống nước này vào tháng 11 tới. Từ đó, tiếp cận chiến lược của các nước trong việc tận dụng cơ hội này, đặc biệt là với Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.

5j0a1382.jpg
Hơn 200 khách mời tham dự được kết nối với toạ đàm trực tuyến chủ đề "Sự định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam"

Ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh cho biết, Chương trình Cà phê Doanh nhân quận Bình Thạnh là chương trình được tổ chức hàng tuần vào sáng thứ 5 với mục đích gặp gỡ, giao lưu giữa các thành viên trong và ngoài hội. Chương trình cung cấp, chia sẻ, thảo luận những vấn đề được các hội viên quan tâm.

Trong khuôn khổ Chương trình cũng đã diễn ra ký kết hợp tác giữa các đơn vị: Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh ký kết MoU với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn; Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết MoU với Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh; Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết hợp tác với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn với những quy chế phối hợp cụ thể.

anh-man-hinh-2024-09-27-luc-12.35.37.png
Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh ký kết MoU với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn
5j0a1581.jpg
Ông Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết MoU với Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh
anh-man-hinh-2024-09-27-luc-12.35.19.png
Ông Trần Hoàng (bên trái) đại diện Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết hợp tác với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn với những quy chế phối hợp cụ thể trong thời gian tới

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm