TP.HCM “dọn đường” cho nghề nuôi chim yến phát triển bền vững
Ngày 27/9, tại kỳ họp chuyên đề thứ 18, HĐND TP.HCM khóa X đã chính thức thông qua Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến được thông qua là bước đi quan trọng nhằm quản lý và phát triển nghề nuôi chim yến, vốn đang phát triển mạnh nhưng còn nhiều bất cập tại TP.HCM. Từ đó góp phần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2006, nghề nuôi chim yến đã xuất hiện tại huyện Cần Giờ với một số nhà đầu tư trong nước. Đến năm 2008, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thí điểm nuôi chim yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ với quy mô tối đa 10 nhà, diện tích xây dựng 200m²/nhà.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng nhà nuôi chim yến tăng nhanh, đặc biệt tại các quận nội thành và khu dân cư tập trung. Hầu hết các nhà nuôi đều xây dựng tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương, dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều nhà nuôi yến được cấp phép xây nhà ở nhưng lại cải tạo, biến thành nơi nuôi chim yến, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư xung quanh do tiếng ồn từ máy dẫn dụ và tiếng kêu của chim. Chưa kể, việc thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tính đến năm 2022, TP.HCM đã có 774 nhà nuôi chim yến tại 18 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành (chiếm 78,61%), đặc biệt là Cần Giờ và Nhà Bè. Trong đó, tỷ lệ nhà yến khai thác đạt 94,6%, nhưng tỷ lệ nhà yến khai thác chưa hiệu quả cũng lên đến 14,67%. Hiện tại, con số này đã giảm xuống còn 735 nhà, giảm 39 nhà so với năm 2022.
Thực trạng cho thấy phần lớn nhà nuôi chim yến vẫn xây dựng tự phát, không phép hoặc cải tạo từ nhà ở, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Khảo sát cho thấy, chỉ có 17,42% (128 nhà) có giấy phép xây dựng; 52,25% (384 nhà) kết hợp nuôi yến với nhà ở và 47,75% (351 nhà) là nhà chuyên dụng.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ đang trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội của thành phố. TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghề này, như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão.
Nuôi chim yến còn mang lại nhiều hiệu ứng tích cực như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần kiểm soát côn trùng gây hại, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Với kinh nghiệm nhiều năm và điều kiện sinh thái tự nhiên phù hợp, nghề nuôi chim yến có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Thậm chí, việc phát triển nghề này còn có thể thúc đẩy du lịch sinh thái, đặc biệt tại huyện Cần Giờ, tạo ra các làng nghề thu hút khách du lịch, kết hợp với nuôi trồng thủy sản hoặc tạo dựng môi trường sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp.
Tuy nhiên, việc thiếu quy định về vùng nuôi chim yến đã dẫn đến tình trạng xây dựng tự phát, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và đời sống cộng đồng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý nghề nuôi chim yến, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, các viện, trường, cơ quan quản lý, làm cơ sở xây dựng Nghị quyết.
Theo đó, tiêu chí vùng nuôi chim yến được xác định là phải phù hợp với tập tính sinh sống hoang dã và phát triển của chim yến, bao gồm các yếu tố hướng chim bay, môi trường có nhiều sông, rạch, rừng tự nhiên để cung cấp nguồn thức ăn sinh vật phù du cho chim yến.
Nghị quyết về vùng nuôi chim yến được thông qua sẽ giải quyết những bất cập hiện nay, đảm bảo việc phát triển nghề nuôi chim yến một cách bền vững, tạo thu nhập cho người dân mà vẫn bảo vệ môi trường cũng như sử dụng đất hiệu quả. Việc này góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc không phát triển nghề nuôi chim yến tại các khu vực nội thành, nội thị và những khu vực gần trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư. Mục tiêu hướng đến là hình thành những vùng nuôi chim yến ổn định, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thu nhập ổn định cho người dân, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị của thành phố.
Việc thực hiện nghị quyết cần đảm bảo đúng quy định pháp luật về thẩm quyền, công khai, minh bạch. Đây chính là hướng đi chiến lược nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của nghề nuôi chim yến, gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.