Văn hóa nghệ thuật

Công nghiệp văn hóa: Phải đào tạo để có nguồn nhân lực "công nghiệp" trong lĩnh vực văn hóa

Hưng Khánh 26/09/2024 14:35

Yếu tố con người là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, ngành đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng đổi mới không ngừng.

Nhưng, trong thời gian qua, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa vẫn còn gặp nhiều vấn đề, chưa được như kỳ vọng.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực

Theo TS. Trịnh Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, công nghiệp văn hóa với cách hiểu là một nền văn hóa mà trong đó có những sản phẩm văn hóa được sản xuất theo phương thức sản xuất công nghiệp, chúng được xem là một loại hàng hóa để có thể trao đổi, mua bán trên thị trường. Theo cách hiểu như vậy, thì nền công nghiệp văn hóa cần hội đủ những yếu tố: thị trường, sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và quản trị. Trong tất cả 6 yếu tố trên, đều có liên quan tới nhân tố con người, nguồn nhân lực quan trọng của mọi nền sản xuất đều phải được đào tạo.

"Chúng ta phải đào tạo để có những mẫu người 'công nghiệp' trong lĩnh vực văn hóa thì mới có thể tạo dựng một nền công nghiệp văn hóa…", TS. Trịnh Đăng Khoa cho biết.

hk.jpg
Nhân tố con người - nguồn nhân lực quan trọng của mọi nền sản xuất đều phải được đào tạo

Có cùng quan điểm đó, Th.S Mai Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, TP.HCM không thể “bỏ quên” việc thúc đẩy hoạt động đào tạo, giáo dục nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp đầy tiềm năng này. "Nếu giáo dục đào tạo không được quan tâm đúng mức thì lấy đâu ra con người để 'sản xuất' ra công nghiệp văn hoá?", Th.S Sơn trăn trở.

Cần quan tâm, đầu tư tương xứng...

Theo ThS. Sơn, hiện tại rất nhiều chuyên ngành mới, nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của ngành công nghiệp văn hoá như: Quản lý nghệ thuật (Art management), thương mại âm nhạc, xuất bản âm nhạc, các chương trình đào tạo về sản xuất nghệ thuật... đều chưa có đơn vị nào tại Việt Nam đào tạo chuyên nghiệp và cấp bằng. Đa số có nhu cầu đều phải tự học hoặc học hỏi từ nước ngoài, dẫn đến nguồn nhân lực manh mún.

Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các trường đại học, trung tâm đào tạo với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp văn hóa chưa được chặt chẽ. Vì vậy, theo ThS. điều này dẫn đến việc sinh viên ra trường thường thiếu kỹ năng thực tiễn, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh ngành này đòi hỏi tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao.

Theo TS. Khoa, tại TP.HCM có một số cơ sở đào tạo các ngành nghề có liên quan tới nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp văn hóa cho TP.HCM. Nhưng theo TS. Khoa, mỗi ngành ở mỗi trường có những góc độ tiếp cận khác nhau, thế mạnh khác nhau, nên nhân lực sau khi tốt nghiệp của các trường phát triển theo những hướng độ khác nhau. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh văn hóa, cần nguồn nhân lực văn hóa theo hướng riêng của họ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Tất cả những cái 'riêng' đó làm khó cho một cái 'chung' chính là làm sao để có được nguồn nhân lực văn hóa vừa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp vừa thích ứng tốt với thị trường văn hóa nhằm phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay…”, ông Khoa trăn trở.

317365362_456069290045344_4174218930776905727_n.jpg
Một lớp học hoá trang của các sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

Ngoài ra, từ góc nhìn của Th.S Sơn, một trong những thách thức lớn hiện nay là tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, không còn đáp ứng đầy đủ nhu cầu giảng dạy và học tập. Các thiết bị, học cụ phục vụ quá trình đào tạo, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi kỹ thuật và sáng tạo cao, đã trở nên lạc hậu nhưng chi phí đầu tư để nâng cấp lại hạn chế.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo vẫn tìm cách tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, đồng thời tích cực tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp để tạo ra các mô hình hợp tác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nghệ thuật ở Việt Nam cũng còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết cơ hữu với các đơn vị đào tạo nghề.

TỪ GÓC ĐỘ NGUỒN NHÂN LỰC: NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

TS. Trịnh Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá TP.HCM:

z5750126977492_a48b5be35e062caf8593533a64f59a58_20240829051453.jpg

Về phía TP.HCM, cần có sự rà soát, thống kê nguồn nhân lực văn hóa, đặc biệt nhóm nguồn nhân lực căn cơ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa. Xác định các mục tiêu, chiến lược cụ thể từng giai đoạn phát triển công nghiệp văn hóa đi cùng với yêu cầu đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi tốt các mục tiêu chất lượng đặt ra. Thành phố nên có đặt hàng đào tạo cụ thể với cơ sở đào tạo, theo yêu cầu của mình để các trường có cơ sở thiết kế chương trình đào tạo bám sát chuẩn đầu ra.

Cần có một cơ sở đào tạo của TP.HCM đủ điều kiện, tiềm năng làm đầu tàu để định vị, kết nối nhằm tạo ra hệ sinh thái đào tạo công nghiệp văn hóa cho TP.HCM trong bối cảnh hiện nay, mà trước tiên là đào tạo nguồn nhân lực cho quản trị công nghiệp văn hóa ở TP.HCM.

Về phía các trường, cần giữ đặc thù, thế mạnh trong đào tạo chuyên sâu các ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa của mình đồng thời nhạy bén, thích nghi với đào tạo theo nhu cầu đặt hàng từ phía xã hội. Nên có sự nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo theo hướng hợp tác, chia sẻ, liên kết liên ngành nghề trong đạo tạo lĩnh vực nhân lực công nghiệp văn hóa và quản trị công nghiệp văn hóa.

các trường cũng cần đặt yếu tố hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, bởi sản phẩm của công nghiệp văn hóa không thể tách rời với thị trường văn hóa.

Th.S Mai Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

nghe-si-ths-mai-thanh-son.jpg

Về phía TP.HCM, cần có chiến lược đầu tư phù hợp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể là cho các cơ sở giáo dục một cách tương xứng với kỳ vọng vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá.

Mô hình tổ chức "Creative Scotland" - cơ quan không thuộc chính phủ nhưng nhận nguồn ngân sách từ chính phủ và chịu trách nhiệm hỗ trợ, phát triển các ngành sáng tạo và văn hóa tại Scotland. TP.HCM cũng có thể xem đây là một mô hình để tham khảo, huy động thêm sự tham gia của tư nhân, thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hoá.

Về phía các trường, cần mở các chuyên ngành mới bổ trợ cho nhu cầu thực tế của công nghiệp văn hóa như đã đề cập ở trên. Nhưng cũng không thể không nhắc tới việc đăng ký mở mã ngành của các ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn do các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bằng cấp của đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Việc liên kết với các trường của nước ngoài cũng là một giải pháp cho các trường do các ngành này ở một số quốc gia như Mỹ đã phát triển từ rất lâu. Bước đầu, các trường có thể hợp tác mở các chương trình workshop, khóa đào tạo ngắn hạn, dần dần phát triển dạng liên kết đào tạo 2+2 (năm) hoặc 3+1 (năm) với nước ngoài...

Hưng Khánh