Thời sự

TP.HCM hướng đến xây dựng Thành phố điện ảnh

Thanh An 26/09/2024 - 12:34

Nhân chuyến công tác tại Mỹ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đoàn công tác TP.HCM đã có nhiều chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại San Francisco và Los Angeles nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố điện ảnh.

Trong thời gian qua, Việt Nam đang là điểm đến tiềm năng của các nhà làm phim Hollywood để tạo nên các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Chính vì vậy, trong năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ đón các hãng phim Hollywood tới khảo sát điểm đến, bối cảnh quay phim và dịch vụ du lịch.

Cũng vì vậy, trong chuyến công tác tại Mỹ lần này, Đoàn công tác TP.HCM do bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao TP.HCM dẫn đầu mong muốn được đóng góp tích cực cho những mục tiêu quan trọng của quốc gia, đồng thời triển khai những nội dung của kế hoạch thực hiện Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đã đề ra.

anh-181-1727279286259538982081.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (thứ 3 từ phải sang) và các thành viên Đoàn công tác TP.HCM trong chuyến công tác tại Mỹ

"Chuyến đi mở ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho ngành văn hóa, du lịch tiếp cận các tổ chức, doanh nghiệp lớn của Mỹ, qua đó góp phần trao đổi, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM. Đồng thời, tìm hiểu, kết nối để xây dựng những chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương, doanh nghiệp Mỹ trong tương lai. Lĩnh vực công nghiệp văn hóa của TP.HCM cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn để phát triển mạnh mẽ", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Do đó, bên cạnh các hoạt động cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giới thiệu thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, di sản UNESCO, con người Việt Nam cũng như các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tiềm năng bối cảnh điện ảnh… đến các đối tác Mỹ, Đoàn công tác TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ với 2 nhà sản xuất của Hollywood là ông Nicolas Simon - CEO Indochina Productions và ông Justin Booth - nhà sản xuất điều hành show The Challenge chiếu trên kênh MTV để trao đổi về tiềm năng, thuận lợi của bối cảnh làm phim ở TP.HCM nhằm thu hút các nhà làm phim thế giới.

Bên cạnh đó, Đoàn cũng thông tin về cơ chế, chính sách thu hút nhà làm phim của chính quyền TP.HCM như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an ninh; giới thiệu các danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa… đến với nhà làm phim.

Thông qua cuộc gặp gỡ này, TP.HCM mong muốn được nghe chia sẻ kinh nghiệm của những nhà phát hành toàn cầu về định hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt trong xây dựng nền công nghiệp sáng tạo nội dung số ở Thành phố và kết nối cho hợp tác giữa TP.HCM cùng một số tổ chức lớn của Mỹ về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh và sáng tạo nội dung số trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP.HCM đang có các cơ chế chính sách hướng tới một môi trường tốt nhất để phát triển điện ảnh. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất phim bao gồm hỗ trợ kinh phí cho các dự án có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương và cũng đang hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật tài trợ các dự án mới.

Cùng với đó, TP.HCM đã và đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành điện ảnh, bao gồm quy hoạch, đầu tư xây dựng phim trường, rạp chiếu phim hiện đại, các khu vực làm phim chuyên dụng (film studio), giúp ngành điện ảnh có nền tảng vững chắc để phát triển.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim, qua đó không chỉ tạo điều kiện phát triển ngành mà còn quảng bá hình ảnh đất nước.

Những cơ chế, chính sách trên của TP.HCM nằm trong định hướng xây dựng Thành phố điện ảnh, hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO của lãnh đạo TP.HCM.

Đặc biệt, TP.HCM cũng đang xây dựng "Quy chế phối hợp quản lý quay phim ngoại cảnh tại TP.HCM" và khi ban hành sẽ tạo nên một bước đột phá trong công tác phối hợp quản lý hoạt động quay phim ngoại cảnh, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở điện ảnh trong quá trình sản xuất phim.

xem-phim-o-rap-giup-ban-thuong-thuc-tron-ven-bo-phim.png
TP.HCM có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước

Năm 2023, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, trong đó TP.HCM có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước.

Thành phố cũng đang có hơn 800 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và hơn 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim. Tất cả những tiềm lực đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc ở lĩnh vực nghệ thuật nói chung và cho ngành điện ảnh TP.HCM nói riêng.

Ngày 25/9 (giờ địa phương), tiếp theo chuỗi hoạt động trong Chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, Đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Hồ An Phong làm trưởng đoàn đã gặp gỡ, làm việc với chính quyền thành phố Los Angeles (California).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong mong muốn, với nhiều năm kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hoá, kinh tế điện ảnh, Los Angeles chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ quá trình triển khai Đề án Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam trong hệ thống các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trước mắt là hỗ trợ TP.HCM xây dựng hồ sơ để trở thành thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh. Hồ sơ dự kiến sẽ đệ trình năm 2025.

Theo định nghĩa của UNESCO, một "Thành phố điện ảnh" (Film City) là một thành phố được công nhận trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO vì có những đóng góp nổi bật trong ngành công nghiệp điện ảnh, cả về mặt sáng tạo và sản xuất. Thành phố này phải thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy điện ảnh không chỉ như một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một phương tiện quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đáp ứng các tiêu chí cụ thể mà UNESCO đề ra.

Năm 2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng đề án Thành phố sáng tạo để hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) với định hướng TP.HCM trở thành "Thành phố điện ảnh", bên cạnh Hà Nội đã trở thành "Thành phố thiết kế sáng tạo" vào năm 2019, Đà Lạt là "Thành phố sáng tạo âm nhạc" và Hội An là "Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian" (cùng được công nhận vào năm 2023).

Thanh An