Thời sự

Gia hạn điều tra áp dụng chống bán phá giá tháp điện gió từ Trung Quốc

Thanh An 26/09/2024 - 09:20

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương vừa thông báo gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc

Theo Cục Phòng vệ thương mại, để có thêm thời gian xem xét toàn diện, khách quan những vấn đề liên quan đến vụ việc, căn cứ quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, ngày 24/9/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2539/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc (mã vụ việc: AD18) thêm 3 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 25/12/2024.

dien-gio.jpg
Bộ Công thương thông báo gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc

Trước đó, ngày 25/9/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2494/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc được phân loại theo các mã HS: 7308.20.11 và 7308.20.19. Trong trường hợp được nhập khẩu như là một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió thì được phân loại theo mã HS 8502.31.10 và 8502.31.20 (Mã số vụ việc: AD18).

Bộ Công Thương cũng cho biết, ngành sản xuất trong nước đã cáo buộc các sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Năm 2023, ngành sản xuất trong nước đã cáo buộc các sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: Hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc; thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Thanh An