Văn hóa - Giải trí - Du lịch

Phim kinh dị: Lấy văn hóa dân gian để... hù ma!

Đan Khanh 28/09/2024 15:00

Kịch bản lấy cảm hứng từ những câu chuyện văn hóa có nguồn gốc dân gian đã và đang giúp phim kinh dị Việt tạo nên sự mới mẻ, khác biệt để kết nối hiệu quả hơn với khán giả.

Kinh dị là một thể loại phim luôn được yêu thích. Ở Việt Nam, tuy số lượng sản xuất hằng năm không nhiều, nhưng những phim kinh dị từng tạo được sự chú ý đặc biệt của khán giả như Khi yêu đừng quay đầu lại, Mười, Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm, Quả tim máu, Giao lộ định mệnh, Thang máy, Bóng đè, Bắc kim thang, Thất sơn tâm linh, Pháp sư mù...

Dù vậy, nhắc đến phim kinh dị Việt, khán giả thường chê kịch bản cũ kỹ, cách “hù dọa” thiếu sáng tạo, kỹ xảo hạn chế, thông điệp không rõ ràng, thậm chí có những phim bị xem là thảm họa của điện ảnh Việt.

vhgt_phim-kinh-di_cam.jpg
Nhóm hóa trang cố gắng tạo ra những gương mặt rùng rợn cho phim Cám

Góc nhìn văn hóa dân gian mới mẻ

Dấu ấn bản địa rất quan trọng với điện ảnh, không chỉ giúp phim tiếp cận, tạo sự gần gũi với khán giả mà còn là cầu nối lan tỏa văn hóa, góp phần tạo dựng bản sắc nền điện ảnh của quốc gia. Khi phát hành ra nước ngoài, bộ phim có dấu ấn bản địa sẽ khơi gợi được sự tò mò và giúp khán giả các nước biết nhiều, hiểu sâu hơn về văn hóa của quốc gia đó.

Những năm gần đây, các nhà làm phim Việt đã chú trọng đến việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh... mang dấu ấn bản địa, trong đó có văn hóa dân gian. Nước ta có kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây thực sự là nguồn tài nguyên màu mỡ cho điện ảnh khai thác.

Theo xu hướng đó, phim kinh dị Việt cũng chuyển hướng sang khai thác chất liệu tín ngưỡng, tập tục sinh hoạt, lối sống, quan niệm và lòng tin mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Thực tế, việc đưa chất liệu văn hóa dân gian vào câu chuyện, bối cảnh, âm nhạc giúp cho Bắc kim thang, Thất sơn tâm linh, Nhà không bán, đặc biệt là Kẻ ăn hồn (thu 66,9 tỷ), Quỷ cẩu - hai phim kinh dị công chiếu cuối năm 2023, đầu năm 2024 - trở nên mới mẻ, độc đáo, gây tò mò đối với khán giả. Trong đó, Quỷ cẩu mượn truyền thuyết kinh dị “Chó đội nón mê” (loài khuyển “yêu” vào những đêm trăng sáng sẽ đứng thẳng, đi bằng hai chân và xúi giục ma quỷ đến quấy phá gia chủ) để cảnh báo về nghiệp quả đã tạo cú hích khi lần đầu có phim kinh dị Việt vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng.

Quỷ cẩu cũng vừa vượt qua 335 phim đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… để thắng giải Phim hay nhất (Best feature film) tại Liên hoan Phim Kanazawa 2024 (Nhật Bản).

Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa cho biết: “Tôi và ê kíp phim Quỷ cẩu đã đến Nhật tham gia buổi chiếu phim và lễ trao giải. Khán giả Nhật rất yêu thích phim vì nó phản ánh rõ nét văn hóa Việt Nam. Nhiều người đã đến xin chữ ký và chụp ảnh cùng đoàn phim, mong muốn phim sẽ được công chiếu rộng rãi hơn tại các rạp”.

Mới nhất, Làm giàu với ma, Ma da lấy đề tài về tâm linh lưu truyền trong dân gian như “ma da kéo giò” và “ma gà” công chiếu cuối tháng 8 và dịp 2/9 đã giúp cho phim Việt lấy lại khí thế, sau một mùa hè ảm đạm và thất thế. Tính đến ngày 19/9 (theo số liệu phòng vé của Boxoffice Vietnam), Làm giàu với ma đã thu hơn 120 tỷ đồng, Ma da thu hơn 127 tỷ đồng.

Hiện tại, Cám - phim kinh dị lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám vừa công chiếu. Chọn lối kể kịch tính hóa thông điệp về sự gia trưởng trong xã hội phong kiến, hậu quả mê tín hay thông điệp về nữ quyền, Cám mang đến góc nhìn văn hóa dân gian mới mẻ, hợp thời đại hơn so với truyện cổ tích quen thuộc.

ed1afd0b531bf545ac0a8.jpg
Phim Linh miêu - Quỷ nhập tràng

Vào tháng 11 tới, Linh miêu - Quỷ nhập tràng sẽ ra rạp. Phim lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian về quỷ nhập tràng và nghiệp quả để xây dựng cốt truyện xoay quanh gia đình làm nghề khảm sành - một nét văn hóa dân gian đặc sắc ở Huế - và sự phân hóa về địa vị của nam, nữ vào những năm 1960. Đèn âm hồn với thông điệp sâu sắc về việc thờ kính và biết ơn tổ tiên, phát triển từ Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Nhà gia tiên và một số phim khác cũng mượn các yếu tố văn hóa dân gian.

Làm "tới" thì dễ vướng kiểm duyệt

Phim kinh dị khai thác chất liệu văn hóa dân gian không dễ dàng so với đề tài gia đình, tâm lý xã hội. Trước tiên là khâu kiểm duyệt. Với nhiều cảnh máu me, rùng rợn, Kẻ ăn hồn phải hoãn lịch chiếu gần một tuần, qua ba lần kiểm duyệt trước khi ra rạp.

Phim Thiên linh cái phải mất 5 tháng hủy lịch chiếu do nội dung tâm linh bùa ngải nhạy cảm và nhiều hình ảnh ghê rợn. Đoàn phim phải chỉnh sửa bản dựng, quay thêm một số cảnh và đổi tên phim thành Thất Sơn tâm linh mới được ra rạp.

Về phim Cám đang dán nhãn 18+, Đạo diễn Trần Hữu Tấn (cũng là tác giả phim Bắc kim thang, Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà, Kẻ ăn hồn, Cám) chia sẻ: “Nếu làm không tới thì có lỗi với nguyên tác, mà làm tới thì sợ vướng kiểm duyệt. Vì vậy tôi thường chọn cách cân bằng hình ảnh, đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. Có những khung hình máu me hay bạo lực không nhất thiết phải cần hình ảnh đặc tả, mà chỉ cần tiếng động, âm thanh hoặc mập mờ dụng ý, kích thích sự tưởng tượng để tăng cảm giác”.

Những năm qua, khán giả Việt Nam được tiếp xúc với nhiều phim kinh dị của Mỹ, Nhật, Thái, Hàn…, do vậy, để tạo được nét riêng, yếu tố sáng tạo rất cần thiết đối với phim kinh dị Việt. Một lý do chính giúp Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu, Ma da… thành công về doanh thu là cảm hứng sáng tạo xuất phát từ văn hóa dân gian nên người xem dễ dàng đồng cảm với câu chuyện và nhân vật. Tuy nhiên nhà làm phim phải khéo léo lồng ghép, vận dụng cách kể chuyện hiện đại, nhịp phim, thoại và tạo hình nhân vật cho phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay, đồng thời tạo sự mới lạ để thu hút người xem.

Theo nhà sản xuất Hằng Trịnh (phim Mười: Lời nguyền trở lại), phim kinh dị là dòng phim an toàn để sản xuất, ngôn ngữ kể chuyện mang tính đại chúng và có thể “chạm” đến khán giả nhiều quốc gia. Vì vậy, yếu tố kinh doanh của phim cũng ổn hơn.

Những tín hiệu vui từ phòng vé của Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu, Làm giàu với ma, Ma da… chắc chắn là động lực giúp các nhà làm phim kinh dị Việt tiếp tục đi theo hướng khai thác chất liệu văn hóa dân gian. Nhưng “ăn một món” mãi cũng ngán và thị trường sẽ bão hòa nhanh chóng. Nếu phim không có sự đầu tư, sáng tạo mới mẻ và khác biệt sẽ không thu hút được khán giả, gây “lãng phí” nguồn tài nguyên văn hóa dân gian.

127 tỷ đồng là doanh thu của phim Ma da

Đan Khanh