Thời sự

Tài sản số: Nền tảng để phát triển kinh tế số TP.HCM toàn cầu hóa và kết nối

Hưng Khánh 25/09/2024 15:00

TP.HCM đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phấn đấu đạt 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố. Để đạt được mục tiêu này, theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE), Thành phố cần có những bước đi đột phá…

"Mục tiêu này đòi hỏi một chiến lược toàn diện và hợp lực từ nhiều phía. Nó phụ thuộc rất lớn vào ba yếu tố: Hạ tầng số, nguồn nhân lực chất lượng cao, và chính sách linh hoạt", TS. Trần Quý nhận định.

ts-tran-quy.jpg
TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE)

* Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu trên?

- Thành phố có rất nhiều tiềm năng, có kế hoạch đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ, có những chính sách đào tạo và thu hút nhân tài trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chúng ta có Nghị quyết 98/2023/QH15 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số, tạo điều kiện để TP.HCM thí điểm những chính sách đặc thù, mở ra cánh cửa cho các mô hình kinh doanh mới, trong đó bao gồm tài sản số. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Nhiều nhầm lẫn giữa tài sản số với tiền mã hóa

* Ông vừa nhắc đến tài sản số, là một khái niệm còn khá mới. Có phải đây là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế số?

- Tài sản số chắc chắn là một hướng đi đột phá trong hành trình phát triển kinh tế số của TP.HCM, tạo ra cơ hội mới, đẩy mạnh sự cạnh tranh và sáng tạo, cũng như thúc đẩy sự kết nối và giao dịch trong nền kinh tế số.

Nhiều người còn đánh đồng tài sản số với tiền mã hóa, đó chỉ là một phần của tài sản số và chủ yếu được sử dụng như phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị. Trong khi đó, tài sản số bao quát hơn và có thể bao gồm cả các tài sản tài chính như token chứng khoán, hay các tài sản phi tài chính như NFTs - đại diện cho quyền sở hữu các tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm ảo...

Tài sản số không chỉ giới hạn trong việc trao đổi mà còn có thể là cơ sở cho các ứng dụng tài chính phức tạp, quản lý tài sản hoặc hợp đồng thông minh, có thể giao dịch nhanh chóng và chia sẻ toàn cầu, giúp mở rộng phạm vi giao dịch, thúc đẩy sự sáng tạo và cạnh tranh.

Ví dụ, một công ty trong nước đang thực hiện số hóa một khu rừng với 5.000 cây gỗ sưa đỏ. Mỗi cây sưa được định danh bằng GPS và phát hành chứng chỉ quyền sở hữu dưới dạng tài sản số. Điều này cho phép chủ có thể huy động vốn bằng cách mở bán trước trên các nền tảng thương mại điện tử. Người mua có thể để cây lại rừng chờ đến tuổi khai thác mà không phải quản lý trực tiếp. Chủ sở hữu cây sưa có thể chuyển nhượng hoặc tặng lại quyền sở hữu cho người khác, tạo ra một trải nghiệm đầu tư mới…

Tóm lại, tài sản số giúp kết nối, giao dịch xuyên biên giới. Tài sản số là công cụ không chỉ giúp TP.HCM đạt được mục tiêu kinh tế số, mà còn tạo nền tảng cho nền kinh tế số toàn cầu hóa và kết nối.

Thúc đẩy việc số hóa tài sản

* Ông có thể chia sẻ thực tiễn tại một số quốc gia trên thế giới?

- Thụy Sĩ là một ví dụ tiêu biểu. Với chính sách pháp lý cởi mở và minh bạch, đặc biệt tại khu vực Zug, Thụy Sĩ đã trở thành một trung tâm toàn cầu về blockchain và tài sản số. Singapore cũng đã phát triển mạnh mẽ tài sản số bằng cách thiết lập các quy định rõ ràng về quyền sở hữu và giao dịch tài sản kỹ thuật số.

Nhờ vào môi trường pháp lý ổn định và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Singapore đã thu hút nhiều công ty fintech và blockchain, tạo ra một hệ sinh thái tài sản số năng động. Tại Mỹ, các nền tảng lớn như Amazon, Google đều đang sử dụng và phát triển tài sản số…

* Khi TP.HCM phát triển tài sản số gắn với kinh tế số, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ ở đâu?

- Đầu tiên, các doanh nghiệp công nghệ sẽ thúc đẩy việc số hóa tài sản, từ các sản phẩm trí tuệ đến các quyền sở hữu kỹ thuật số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp fintech và blockchain sẽ tạo ra các hệ thống thanh toán, giao dịch và lưu trữ tài sản số an toàn và hiệu quả.

Tất nhiên, họ cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn từ việc tham gia vào cuộc cách mạng này. Họ sẽ mở rộng thị trường, đặc biệt là với các thị trường quốc tế, khi tài sản số không bị giới hạn bởi biên giới địa lý. Phát triển tài sản số giúp họ nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ sẽ có cơ hội đầu tư và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, từ đó gia tăng lợi nhuận.

* Để tài sản số phát huy hết tiềm năng, cần có những chính sách gì?

- Trước mắt, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch. Mô hình sandbox cũng cần được triển để doanh nghiệp có thể thử nghiệm các công nghệ mới, từ đó xây dựng các quy định điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ tài sản số là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với các đối tác quốc tế, sẽ giúp TP.HCM tạo ra thế hệ chuyên gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

TP.HCM nên ưu tiên xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, tạo môi trường thuận lợi để họ phát triển và thử nghiệm các mô hình kinh doanh dựa trên tài sản số.

*Cảm ơn ông về chia sẻ này!

Tài sản số có thể bao gồm cả các tài sản tài chính như token chứng khoán, hay các tài sản phi tài chính như NFTs - đại diện cho quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm ảo...

Hưng Khánh