Thời sự

Đi tìm cực tăng trưởng để lấy lại vị thế kinh tế của TP.HCM

Huyền Châm 25/09/2024 - 09:51

TP.HCM đang đứng trước nhu cầu cấp thiết phải dịch chuyển mô hình tăng trưởng để đáp ứng sự chuyển đổi của nền kinh tế. Để đạt hiệu quả và trở thành trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu của cả nước, Thành phố cần tập trung vào một số hướng chuyển dịch...

p7_ts-huynh-trung-minh.jpg
TS. Huỳnh Trung Minh

TS. Huỳnh Trung Minh chia sẻ nhận định về hướng dịch chuyển trong cơ cấu kinh tế TP.HCM cũng như tiên phong thực hiện đổi mới tư duy phát triển trong các lĩnh vực nhằm lấy lại vị thế kinh tế.

* Thưa ông, ông có nhìn nhận gì về các mảnh ghép được cho là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế TP.HCM năm 2024 là tiêu dùng trong nước, đầu tư tư nhân và xuất nhập khẩu?

- Tiêu dùng nội địa được dự báo là một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, một trong những thách thức là sức mua bị ảnh hưởng bởi lạm phát, thu nhập khả dụng thấp, tăng lãi suất và sự bất ổn của thị trường việc làm.

Hoạt động đầu tư tư nhân có dấu hiệu phục hồi, nhất là khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, những rào cản chính đến từ thủ tục hành chính phức tạp và thiếu sự hỗ trợ tài chính kịp thời. Một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng trong đầu tư do tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn.

* Ông đánh giá gì về khả năng thực thi mục tiêu đến cuối năm TP đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư khoảng 95%? Đâu là điểm then chốt cần giải cho bài toán giải ngân đầu tư công, thưa ông?

- Việc giải ngân đầu tư công của TP.HCM vẫn là một thách thức lớn. Tỷ lệ giải ngân thấp do thủ tục phê duyệt dự án chậm, quá trình phê duyệt các dự án đầu tư công còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính và quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Khả năng hấp thụ vốn thấp.

Điểm nữa là năng lực thực hiện các dự án, một số dự án lớn cần sự phối hợp từ nhiều cấp chính quyền, nhưng năng lực thực hiện và phối hợp chưa đồng bộ dẫn đến tiến độ bị chậm trễ. Các đơn vị thực hiện dự án thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực.

Tôi cho rằng, việc đạt mục tiêu giải ngân 95% là rất thách thức.

* TP.HCM được đánh giá chưa tận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. Theo ông, Thành phố còn đang “vướng” ở điểm nào trong việc triển khai Nghị quyết này?

Nghị quyết 98 tạo ra nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn gặp phải một số rào cản trong việc tận dụng cơ chế này.

Điều này do Thành phố chưa vận dụng linh hoạt và quyết liệt, một số cơ chế đặc thù được trao quyền, nhưng quá trình triển khai còn chậm do thiếu sự đồng bộ và tính toán chi tiết trong các chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, có thể do hiểu biết hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa hiểu rõ về nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và các bộ ngành còn hạn chế.

Đó còn do cơ chế thị trường khi việc hình thành và phát triển thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết; vướng mắc trong khung pháp lý, một số quy định trong Nghị quyết chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Điều này khiến Thành phố chưa thể khai thác triệt để các tiềm năng từ các cơ chế đặc thù.

90905654.jpg

* Vậy TP.HCM nên chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng nào để đạt hiệu quả, thưa ông? Thành phố cần tiên phong thực hiện đổi mới tư duy phát triển trong những lĩnh vực nào, thưa ông?

TP.HCM đang đứng trước nhu cầu cấp thiết phải dịch chuyển mô hình tăng trưởng để đáp ứng sự chuyển đổi của nền kinh tế hiện đại.

Để đạt hiệu quả, Thành phố cần tập trung vào một số hướng chuyển dịch đó là chuyển đổi sang kinh tế số; dịch chuyển sang một mô hình kinh tế xanh và tiên phong phát triển các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh, bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường để giảm thiểu khí thải và tiết kiệm năng lượng.

Thành phố cần thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; trở thành trung tâm tài chính quốc tế bằng cách phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; đổi mới tư duy quản lý, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án đầu tư công và tư nhân.

Thành phố cần tiên phong đổi mới tư duy phát triển trong các lĩnh vực quản lý đô thị. Theo đó, áp dụng các công nghệ thông tin; truyền thông để quản lý đô thị hiệu quả; xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh, tham gia xây dựng các đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số.

Thành phố cũng cần đổi mới tư duy phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, kết nối các khu vực cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giao thông, giảm ùn tắc và xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường cao tốc để kết nối Thành phố với các tỉnh thành lân cận.

* Theo ông, Thành phố cần có cơ chế trải thảm đỏ thế nào để thu hút nhà đầu tư, thưa ông?

- TP.HCM cần triển khai một loạt chính sách và cơ chế đặc biệt:

Thứ nhất là cơ chế ưu đãi miền giảm thuế và hỗ trợ tài chính;

Thứ hai là đầu tư vào hạ tầng công nghệ và logistics hiện đại;

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;

Thứ tư là đơn giản hóa thủ tục hành chính;

Thứ năm là kết nối với các trung tâm công nghệ toàn cầu;

Thứ sáu là khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D);

Cuối cùng là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

* Xin cảm ơn ông!

Huyền Châm