Thời sự

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ

Thiên Dung 24/09/2024 - 17:59

Chiều 23/9 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi toạ đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và Hội đồng doanh nghiệp vì sự hiểu biết chung (BCIU) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là cam kết về việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ về nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có tiềm năng và bày tỏ hy vọng sớm được đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tin tưởng về hiệu quả kinh tế đạt được. Đồng thời cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam để duy trì, bảo đảm cam kết về phát triển bền vững trên địa bàn và mong muốn được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các hoạt động đầu tư, hợp tác lâu dài.

toa-dam-24924b.jpg
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Mỹ và Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua và chia sẻ tầm nhìn chiến lược của chính phủ Việt Nam hướng tới một kỷ nguyên mới, theo như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từng đề cập.

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới đang biến động, diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nhu cầu về hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển vẫn là những xu hướng chính. Ông nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng của thế giới, và Mỹ vẫn là một đầu tàu quan trọng trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, quan hệ Việt Nam - Mỹ vẫn không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, toàn diện và hiệu quả trên nền tảng tin cậy và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Mỹ hiện vẫn là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia đầu tư vào thị trường Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đã vượt mốc 110 tỷ USD, là năm thứ ba liên tiếp vượt mức 100 tỷ USD, củng cố vị thế của Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

toa-dam-24924.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (giữa) mong muốn các nhà đầu tư Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng vẫn còn nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước và nhấn mạnh rằng sự phát triển này sẽ được thúc đẩy bởi nội lực của mỗi quốc gia và mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, phát huy lợi thế, tận dụng các cơ hội dựa trên mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Để đạt được mục tiêu này, Tổng Bí thư đã đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai nước cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương hợp tác, hỗ trợ và xử lý nhanh chóng những khó khăn của nhà đầu tư, đồng thời tạo môi trường đầu tư minh bạch và thông thoáng hơn.

Ông cũng hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ khuyến khích doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tổng Bí thư mong muốn các nhà đầu tư Mỹ sẽ nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển ngành công nghiệp chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT); năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tài chính; công nghệ sinh học, y tế…

Đồng thời, mong muốn các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục ủng hộ để Chính phủ Mỹ sớm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư kinh doanh.

toa-dam-td-dau-khi-ge.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành điện và dầu khí giữa PVN và Tập đoàn GE. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp này, Tổng Bí thư đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, bao gồm: Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty Kellogg Brown & Root; Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành điện và dầu khí giữa PVN và Tập đoàn GE; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khí hóa lỏng (LNG) giữa Công ty CP Kỹ thuật dịch vụ dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty Excelerate Energy; Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực Al, bán dẫn và xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam giữa Tập đoàn Sovico và Tập đoàn SuperMicro; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa Vietjet Air và Công ty Honeywell; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất khí tự nhiên giữa Wealth Power Group Vietnam và đại diện Công ty Eternal Natural Resources.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã đạt gần 87,7 tỷ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Một số mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất từ Việt Nam sang thị trường Mỹ gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, da giày, nông sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghệ, nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Trước đó, sáng 23/9 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp các chuyên gia, học giả về Việt Nam tại Đại học Columbia.

Tại buổi tiếp, các đại biểu đều đánh giá Việt Nam có tiềm năng để duy trì nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao dựa trên động lực tăng trưởng là các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều ý kiến nhận định, Chính phủ cần đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, lấy hạ tầng là cơ sở nền tảng và khu vực tư nhân là động lực chủ yếu để Việt Nam thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Việt Nam cần lựa chọn ưu tiên 2-3 lĩnh vực công nghệ mới để tập trung nguồn lực, trong đó có chính sách đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để hình thành các ngành công nghệ cao mang tính dẫn dắt.

dh-columbia.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng bức tranh Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho đại diện lãnh đạo Đại học Columbia (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Tại sự kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Đại học Columbia; VinUniversity và Đại học Columbia; giữa Đại học Fulbright và Đại học Columbia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã trao tặng bức tranh Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho đại diện lãnh đạo Đại học Columbia.

Thiên Dung