Thời sự

Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về xếp hạng Chính phủ điện tử

Bạch Khởi 19/09/2024 - 10:19

Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 vừa được Liên Hợp Quốc công bố cho biết, Việt Nam đã tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, giữ vị trí 71 thế giới và thứ 5 trong ASEAN.

Đây là thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tối 18/9. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 71/193 quốc gia với 0,7709 điểm (tăng 15 bậc so với năm 2022 và 2020). Trước đó, trong 2 lần đánh giá, Việt Nam đều duy trì thứ hạng 86.

Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tăng 1 bậc lên vị trí 5/11 quốc gia.

Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm quốc gia có chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp quốc năm 2003.

Điều này cũng cho thấy Việt Nam liên tục có sự thay đổi tích cực vị trí xếp hạng, từ vị trí 99 năm 2014, lên vị trí 89 năm 2016, vị trí 86 năm 2000, 2022 và vị trí 71 trong năm nay.

Về giá trị, Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0.7709 điểm, được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức Rất cao (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.6382), của khu vực châu Á (0.6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6928).

Được biết, EGDI được chia làm 4 mức (Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0.75; Cao: Chỉ số từ 0.5 đến 0.75; Trung bình: Chỉ số từ 0.25 đến 0.5; Thấp: Nhỏ hơn 0.25).

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước (tăng 1 bậc so với năm 2022); 4 nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đáng chú ý, Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới; Philippines tăng 16 bậc; Việt Nam tăng 15 bậc; Indonesia tăng 13 bậc; Đông Timor giảm 12 bậc.

cp-dien-tu.jpg
Việt Nam xếp 71/193 quốc gia về chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc

Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam cùng với 3 quốc gia Indonesia, Philippines, Brunei ở khu vực Đông Nam Á có giá trị EGDI chuyển từ nhóm Cao lên nhóm Rất cao. Đặc biệt, nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao. So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong 5 quốc gia (4 quốc gia khác là Ukraine; Mongolia; Uzbekistan và Philippines) có EGDI ở mức "Rất cao".

Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được tổng hợp từ 3 chỉ số chính: Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số Nguồn nhân lực (HCI); chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI).

Vị trí xếp hạng về các chỉ số chính trong EDGI của Việt Nam năm 2024 đều có sự tăng trưởng về giá trị và xếp hạng, đặc biệt là về xếp hạng HCI và giá trị TII. Cụ thể, HCI đạt 0.7267, xếp thứ 79/193, tăng 36 bậc so với năm 2022; TII đạt 0.8780, xếp thứ 67/193, tăng 7 bậc so với năm 2022; OSI đạt 0.7081, xếp thứ 75/193, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Về giá trị, EGDI tăng trưởng 13.6%, trong đó TII là chỉ số chính tăng trưởng mạnh nhất so với năm 2022 với 25.9%; tiếp đến là OSI với 9.2%; HCI tăng trưởng 5.3%. Trong 3 chỉ số chính, TII của Việt Nam được xếp ở mức Rất cao; OSI và HCI được xếp ở mức Cao.

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc còn đánh giá 3 chỉ số phụ bao gồm: Tham gia điện tử (EPI); Dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI, bắt đầu đánh giá, công bố năm 2020); Dữ liệu mở của Chính phủ (OGDI, bắt đầu đánh giá, công bố năm 2020).

Trong đó, OGDI đạt 0.7436, xếp thứ 77/193, tăng 10 bậc so với năm 2022; LOSI (Liên Hợp Quốc lựa chọn đánh giá TP.HCM) đạt 0.6354, xếp hạng 53/152 thành phố (năm 2022 xếp 54/146); EPI đạt 0.6027, xếp hạng 72/193, giữ nguyên so với năm 2022.

Với kết quả xếp hạng vượt bậc này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; đồng thời, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan nhà nước các cấp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc; từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bạch Khởi